Báo cáo thị trường trái phiếu tiền tệ Tháng 2, 2022

Nhu cầu thanh khoản sau kỳ nghỉ lễ hạ nhiệt khiến diễn biến thanh khoản hệ thống ngân hàng được cải thiện. Thị trường mở chỉ phát sinh giao dịch với khối lượng giao dịch nhỏ ở nửa sau tháng 2. Lãi suất liên ngân hàng cũng hạ nhiệt nhưng vẫn ở mức cao. Tỷ giá USD/VND tiếp tục tăng do biến động của thị trường quốc tế. KBNN phát hành 9.380 nghìn tỷ đồng TPCP trong tháng với lợi suất tăng nhẹ. Lợi suất TPCP thứ cấp tăng mạnh so với tháng trước. Khối ngoại quay trở lại mua ròng 1.224 tỷ đồng TPCP trong tháng.

Thị Trường Tiền Tệ
Sau Tết, diễn biến thanh khoản hệ thống ngân hàng được cải thiện. Trong nửa cuối tháng 2, NHNN đã bơm thêm gần 379 tỷ đồng thông qua kênh thị trường mở và toàn bộ số tiền này sẽ quay trở lại NHNN vào nửa đầu tháng 3. Sau kỳ nghỉ Tết, tình hình thanh khoản đã ổn định dần. Trong nửa cuối tháng 2, NHNN đã giảm khối lượng tiền bơm vào hệ thống với 378,88 tỷ đồng thông qua kênh thị trường mở, với lãi suất là 2,5%/năm, kỳ hạn 2 tuần.

Như chúng tôi đã nhận định, do tính chất thời vụ khiến nhu cầu thanh toán và tín dụng tăng cao đầu năm 2022, lãi suất liên ngân hàng tăng khá mạnh nhưng đã có dấu hiệu hạ nhiệt vào nửa cuối tháng 2. Khảo sát của Bloomberg cho thấy lãi suất liên ngân hàng qua đêm đang giao dịch ở mức 2,33%/năm, tăng 43 điểm cơ bản so với cuối tháng trước. Lãi suất các kỳ hạn khác cũng ở quanh mức 2,27%-2,38%/năm, tăng 25-50 điểm cơ bản so với cuối tháng 1.

Trong bối cảnh tín dụng tăng trưởng nhanh hơn nhiều so với huy động và tạo áp lực lên thanh khoản hệ thống, nhiều ngân hàng bắt đầu tăng lãi suất tiền gửi sau Tết Nguyên đán. Với dự báo lạm phát sẽ tăng trong năm nay, chúng tôi dự đoán lãi suất huy động sẽ có sự tăng nhẹ từ giờ cho đến cuối năm 2022 với biên độ dao động nhỏ.

Tỷ giá USD/VND tiếp tục tăng nhẹ.
Kết thúc tháng 2, tỷ giá USD/VND tiếp tục tăng nhẹ do những biến động trên thị trường quốc tế. So với cuối tháng 1, tỷ giá USD/VND trên thị trường tự do tăng 80 đồng/USD và hiện giao dịch ở mức 23.475 đồng/USD. Tỷ giá trung tâm và liên ngân hàng lần lượt giao dịch ở mức 23.140 đồng/USD, tăng 41 đồng/USD và 22.980 đồng/USD, tăng 99 đồng/USD. USD đang tăng giá so với đồng VND theo xu hướng cùng với các đồng tiền khác trong khu vực. Chỉ số DXY Index ghi nhận ở mức 96,5 trong tháng 2. Tỷ giá USD có xu hướng đi lên trong khi đồng ruble của Nga giảm xuống mức thấp kỷ lục trong bối cảnh các nhà đầu tư đang tập trung vào diễn biến cuộc giao tranh giữa Ukraine và Nga. Ngoài ra, xu hướng trung hạn tỷ giá sẽ phụ thuộc vào các dữ liệu kinh tế quan trọng sắp được công bố của Mỹ. Căng thẳng ở Ukraine gia tăng và làm dấy lên suy đoán rằng Fed có thể sẽ bớt mạnh tay hơn trong việc thắt chặt chính sách tại cuộc họp vào tháng 3 và tạo áp lực lên đồng bạc xanh. Giới đầu tư tìm đến sự an toàn từ trái phiếu chính phủ khiến cho lợi suất TPCP của Mỹ giảm xuống mức thấp.

Thị Trường Trái Phiếu Chính Phủ
Thị trường sơ cấp
KBNN phát hành thành công 9.380 tỷ đồng TPCP trong kỳ với lợi suất trúng thầu tăng nhẹ so với tháng trước. Dù nửa sau tháng 2, KBNN đã huy động được nhiều TPCP hơn so với nửa đầu nhưng vẫn còn khá khiêm tốn. Tổng cộng trong cả tháng, khối lượng TPCP được KBNN phát hành thành công chỉ đạt 9.380 tỷ đồng trên tổng số 20.000 tỷ đồng chào bán, tỷ lệ phát hành 47%. Trong đó, kỳ hạn 10N và 15N phát hành được lần lượt 3.515 và 3.000 tỷ đồng. Tốc độ phát hành trái phiếu trong quý 1 của KBNN đang khá chậm, mới chỉ hoàn thành 31% kế hoạch quý trong khi 2/3 thời gian đã qua.

Mức lợi suất trúng thầu tăng nhẹ so với tháng trước. Lợi suất kỳ hạn 10N là 2,12%/năm, tăng 4 điểm cơ bản trong đó lợi suất kỳ hạn 15N là 2,42%/năm, tăng 5 điểm cơ bản so với cuối tháng trước. Với kế hoạch phát hành năm nay là 400.000 tỷ đồng, KBNN sẽ cần nâng mức lợi suất trúng thầu trái phiếu lên để thu hút nhà đầu tư trong các phiên chào bán tiếp theo.

Thị trường thứ cấp
Lợi suất TPCP tăng mạnh trong tháng. Khối lượng giao dịch bình quân trên thị trường TPCP thứ cấp tăng 5% so với tháng trước với tỷ trọng giao dịch outright tăng dần. NĐTNN quay trở lại mua ròng 1.224 tỷ đồng TPCP trong tháng.
Theo xu hướng trên thế giới, lợi suất TPCP thứ cấp 10N tại Việt Nam đã tăng trong thời gian gần đây. Cuối tháng 2, lợi suất kỳ hạn 10N đang ở mức 2,34%/năm, tăng 20 điểm cơ bản so với tháng trước đồng thời lợi suất kỳ hạn 2N bật lên mức 1,43%/năm, tăng 73 điểm cơ bản. Đường cong lợi suất đang tiếp tục xu hướng phẳng lại kể từ đầu năm. Giao dịch trên thị trường TPCP thứ cấp sôi động trở lại so với tháng trước với khối lượng giao dịch bình quân ngày đạt 14 nghìn tỷ đồng, tăng 5%. Trong đó, giao dịch outright chiếm 61% khối lượng trong kỳ với 136 nghìn tỷ đồng. Bình quân giao dịch 8,5 nghìn tỷ đồng/ngày, tăng 5,9% so với bình quân tháng trước. Khối lượng giao dịch repo bình quân cũng tăng 4% so với tháng 1, đạt 5,5 nghìn tỷ đồng/ngày. Khối ngoại quay trở lại mua ròng 1.224 tỷ đồng TPCP trong kỳ. Khối ngoại đã bán ròng tổng cộng 20 tỷ đồng TPCP trong năm 2022 và mua ròng 6.634 tỷ đồng TPCP trong 12 tháng gần nhất.

Thị Trường Trái Phiếu Doanh Nghiệp
Số liệu của FiinPro cho thấy trong tháng 2 năm 2022 chỉ có 1.800 tỷ đồng TPDN được phát hành ở thị trường trong nước. Tổng cộng trong 2 tháng đầu năm, có khoảng 25.894,53 tỷ đồng TPDN được phát hành, khối lượng gấp đôi so với cùng kỳ năm trước. Trong tháng 2, Công ty Cổ phần Xây lắp Sunshine E&C phát hành khối lượng trái phiếu lớn nhất đạt 800 tỷ đồng. Ngoài ra, Công ty Cổ phần CMC phát hành trái phiếu có lãi suất cao nhất là 10,6%/năm. Nhóm ngành xây dựng và vật liệu xây dựng chiếm tỷ trọng phát hành lớn nhất đạt hơn 70% khối lượng phát hành trong tháng.

(Nguồn: MBSecurities)