Thị trường tiền tệ
Lãi suất liên ngân hàng đi ngang
Trong tuần trước, NHNN bơm gần 3,8 nghìn tỷ đồng vào hệ thống ngân hàng thông qua nghiệp vụ mua kỳ hạn 14 ngày với lãi suất 2,5%/năm trong bối cảnh thanh khoản hệ thống chịu áp lực trong giai đoạn cuối Quý. Nhờ vậy, tổng lượng tín phiếu đang lưu hành tăng lên ở mức 4,5 nghìn tỷ đồng khi chỉ có 727 tỷ đồng tín phiếu đáo hạn. Lãi suất VND trên thị trường liên ngân hàng hầu như đi ngang, kết tuần, kỳ hạn qua đêm ở mức 2,19% (giảm 8 điểm cơ bản so với tuần trước) và kỳ hạn 1 tuần 2,39% (giảm 5 điểm cơ bản).
Nhìn chung, mặt bằng lãi suất liên ngân hàng đã tăng mạnh trong giai đoạn đầu năm dưới áp lực thanh khoản trong hệ thống bị thiếu hụt trước Tết Nguyên Đán. Thanh khoản tại thời điểm hiện tại đã tương đối ổn định và chỉ mang tính thiếu hụt cục bộ ở một số ngân hàng nhỏ, tuy nhiên lãi suất liên ngân hàng vẫn duy trì ở mức cao trong bối cảnh tín dụng cho dấu hiệu phục hồi mạnh mẽ. Trên thực tế, theo số liệu từ NHNN, tín dụng trong Quý 1 tăng 5,04% so với cuối năm 2021 (số liệu tính đến ngày 20/3 là 4,03%) và tương đương với mức tăng 15,9% so với cùng kỳ. Như vậy, quy mô tín dụng đã tăng gần 526 nghìn tỷ đồng chỉ trong
Quý 1/2022 và hơn 100 nghìn tỷ đồng chỉ trong 10 ngày cuối tháng. Chúng tôi nâng tăng trưởng tín dụng mục tiêu trong 2022 lên mức 14,5% – 15% (từ dự báo 14% trước đó) phản ánh về triển vọng phục hồi kinh tế. Điều này sẽ tạo ra áp lực tăng đáng kể đối với lãi suất huy động và cho vay trong thời gian tới.
Thị trường ngoại hối
Tỷ giá USDVND tăng giá
Cơ quan Phân tích Kinh tế Mỹ đã điều chỉnh tăng trưởng GDP trong Q4/2021 chính thức tăng 6,9% so với quý trước đó, điều chỉnh nhẹ từ mức tăng 7,0% theo báo cáo sơ bộ. Như vậy, cả năm 2021, GDP Mỹ tăng 5,7% so với cùng kỳ, bật mạnh từ mức giảm 3,4% năm 2020. Bên cạnh đó, số liệu về chỉ số PCE tháng 2 cũng đã được công bố trong tuần qua, với mức tăng tới 5,4% so với cùng kỳ và đồng thời là mức tăng lớn nhất kể từ tháng 04/1993. Tuy nhiên, tâm điểm thị trường lại tập trung vào việc đường cong lợi suất TPCP đã bắt đầu đi vào vùng đảo ngược, với chênh lệch giữa kỳ hạn 2 năm – 10 năm rơi về dưới 0 điểm cơ bản
và rủi ro suy thoái kinh tế đã được nhắc tới nhiều hơn. Giá hàng hóa cơ bản, bao gồm vàng và dầu thô giảm mạnh, trong bối cảnh cuộc chiến Nga – Ukraine đang có những diễn biến tích cực hơn. Đồng USD gần như đi ngang trong suốt 2 tuần qua, phản ánh định giá của thị trường về chu kỳ thắt chặt lãi suất của Fed. Diễn biến của các đồng tiền chủ chốt so với USD biến động trái chiều trong tuần, trong đó EUR tăng 0,61% trong khi đó GBP giảm -0,42%, JPY -0,33%. Các đồng tiền ở các quốc gia mới nổi hầu hết đều tăng giá so với USD, như PHP +0,92%, INR +0,55%, THB +0,32%,,…
Trong tuần qua, đồng VND tăng giá, tương đồng với xu hướng của các đồng tiền trong khu vực. Trên thị trường liên ngân hàng, USDVND giao dịch quanh mức 22.850/USD, trong khi tỷ giá niêm yết tại các NHTM giảm 30 đồng, kết tuần ở mức VND 22.670/22.980. Tỷ giá trên thị trường tự do tiếp tục giảm nhiệt, giao dịch ở VND 23.325/23.265. Chênh lệch giữa giá vàng trong nước – quốc tế vẫn được duy trì ở mức cao (quanh 15 – 16 triệu đồng/lượng) và phần nào tạo áp lực tới mặt bằng tỷ giá trên thị trường tự do. Về mặt tích cực, VND vẫn được kỳ vọng được hỗ trợ từ dòng tiền ngoại tệ tích cực. Giải ngân FDI trong 3 tháng đầu năm đạt 4,42 tỷ USD, tăng 7,8% so với cùng kỳ trong khi đó cán cân thương mại cũng ước tính đảo chiều xuất siêu khoảng 800 triệu USD trong Quý 1/2022.
Thị trường trái phiếu chính phủ
Hoạt động trên thị trường sơ cấp trầm lắng
KBNN gọi thầu tổng cộng 5,0 nghìn tỷ đồng trái phiếu, tuy nhiên không có thành viên nào đấu thầu thành công trong phiên giao dịch tuần qua. Tính đến cuối Q1, chỉ có 39,3% kế hoạch Quý 1 và 10,3% kế hoạch phát hành năm 2022 được thực hiện thành công.
Trên thực tế, chúng tôi quan sát thấy có sự chênh lệnh tương đối lớn giữa lợi suất trái phiếu chính phủ trên 2 thị trường sơ cấp và thứ cấp. Vùng lãi suất đặt thầu thấp nhất – cao nhất tiếp tục tăng so với phiên trước đó, với mức tăng khoảng 5 điểm, phản ánh kỳ vọng của các thành viên về việc tăng lợi suất TPCP trong bối cảnh lo ngại về lạm phát. Nhà đầu tư tham gia chủ yếu là Bảo hiểm Xã hội, trong khi các TCTD thận trọng hơn. Trong khi đó, KBNN cũng chưa thực sự gặp áp lực phát do tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công vẫn tương đối thấp (3 tháng đầu năm chỉ đạt 11.9% kế hoạch Chính phủ). Chúng tôi kỳ vọng lợi suất trên thị trường sơ cấp sẽ nhích tăng trong thời gian tới khi áp lực huy động vốn từ KBNN tăng dần, đặc biệt từ việc triển khai gói hỗ trợ kinh tế 2022 – 2023.
Trên thị trường thứ cấp, lợi suất trái phiếu đi ngang. Kết tuần đóng cửa như sau: 1Y (1,57%, -5 bps), 3Y (1,71%; -1 bps); 5 năm (1,75%, +3 bps); 10Y (2,4%, +0 bps); 15Y (2,68%, +0 bps); 20 năm (2,91%, -1 bps) và 30 năm (3,06%, -2bps). Giá trị giao dịch trung bình hàng ngày giảm 17,6% xuống còn 11,6 nghìn tỷ đồng. Nhà ĐTNN tiếp tục mua ròng 292 tỷ đồng, chủ yếu ở kỳ hạn ngắn 7-10 năm.
Nguồn: SSI Research.