“Credit Suisse vỡ nợ” trở thành tin đồn toàn cầu sau lời trấn an nhân viên, nhà đầu tư phản tác dụng của CEO.
Cổ phiếu của Credit Suisse đã rơi vào tình trạng hỗn loạn sau khi nỗ lực trấn an nhân viên và các nhà đầu tư của CEO Ulrich Koerner phản tác dụng, làm gia tăng thêm những điều không chắc chắn về ngân hàng này. Thậm chí, “Credit Suisse vỡ nợ” trở thành tin đồn toàn cầu.
Cổ phiếu này đã giảm giá trị tới hơn một nửa trong năm nay trước khi trải qua cơn bán tháo khủng khiếp vào ngày thứ 2, giảm 12% chỉ trong 1 ngày xuống mức thấp kỷ lục.
Tình huống này nổi lên do Giá các hợp đồng hoán đổi vỡ nợ tín dụng (CDS) của Credit Suisse – công cụ được sử dụng để bảo hiểm cho các khoản nợ của ngân hàng – tăng vọt lên mức kỷ lục 250 điểm cơ bản. Đầu năm nay chúng chỉ ở mức 57 điểm cơ bản. Nhà đầu tư đặt cược có 23% khả năng Credit Suisse sẽ vỡ nợ trái phiếu trong 5 năm tới.
Koerner – lần thứ 2 trong nhiều tuần đã tích cực trấn an nhân viên và thị trường bằng thông báo vào cuối hôm thứ 6 nhấn mạnh về sức mạnh vốn và thanh khoản dồi dào của ngân hàng. Tuy nhiên, mọi sự chú ý đổ dồn vào những bước đi gần đây của công ty và các nhà đầu tư hối hả rút lui khi hoạt động giao dịch được mở lại vào đầu tuần. Cổ phiếu đã hồi phục khi nhiều chuyên gia phân tích ủng hộ quan điểm của Koerner về sức mạnh tài chính của ngân hàng này.
Trong khi thừa nhận rằng ngân hàng “đang trong thời khắc quan trọng”, Koerner cam kết sẽ gửi tới nhân nhân viên những thông báo cập nhập liên tục cho tới khi công ty tuyên bố chiến lược mới vào ngày 27/10.
Tuy nhiên, một vài cá nhân cũng đã lên Twitter để thảo luận, phản bác một số lời đồn đại trên mạng về Credit Suisse và xem đây là hành vi “phao tin đồn gây hoang mang”. Chuyên gia Boaz Weinstein của Saba Capital Management đã tweet rằng “hãy thở thật sâu” và so sánh tình huống này với thời điểm khi mà CDS của Morgan Stanley đã tăng gấp 2 lần vào năm 2011 và 2012.
Koerner vừa lên chức CEO vào cuối tháng 6 đã đối mặt với rất nhiều lời đồn đại, nghi ngờ khi mà ông tìm cách thiết lập con đường phía trước cho nhà băng đang gặp khó khăn, khiến tình hình tài chính và danh tiếng chịu ảnh hưởng mạnh. Công ty đã hoàn thành những kế hoạch sẽ cho thấy những thay đổi mạnh mẽ trong mảng ngân hàng đầu tư của họ và có thể gồm cả việc cắt giảm hàng nghìn việc làm trong 1 vài năm.
Chuyên gia phân tích tại KBW cũng dự đoán rằng ngân hàng này có thể phải huy động 4 tỷ francs Thụy Sĩ (4 tỷ USD) vốn dù là sau khi đã bán một vài tài sản để huy động vốn cho các đợt tái cấu trúc.
Vốn hóa thị trường của Credit Suisse đã giảm xuống 10,4 tỷ francs Thụy Sĩ, có nghĩa là bất kỳ việc bán ra lượng cổ phần nào cũng có thể pha loãng sở hữu của những cổ đông lâu năm. Vốn hóa thị trường của ngân hàng này từng cao trên 30 tỷ francs Thụy Sĩ hồi tháng 3/2021.
“Có thể họ phải có vài tỷ USD để chi trả chi phí của hoạt động tái cấu trúc”, Andreas Venditti – chuyên gia tại Vontobel nói.
Liệu sóng gió đã qua?
Dù sao các nhà phân tích vẫn cho rằng Credit Suisse có đủ vốn trong tay để đáp ứng các yêu cầu về vốn cũng như có sẵn tiền mặt để bảo đảm tính thanh khoản trong thời gian tới.
Tuy nhiên, giá CDS tăng mạnh, chi phí huy động vốn của Credit Suisse trong tương lai cũng sẽ tăng vọt. Vì thế triển vọng tìm nguồn vốn cho hoạt động tái cấu trúc, có thể cần thêm đến 4 tỉ franc là không dễ dàng.
Khó khăn của Credit Suisse vẫn còn ở phía trước khi thị trường chờ công bố kế hoạch tái cấu trúc cũng như nguồn vốn cần thiết. Trước mắt ngân hàng này còn chịu áp lực của giới bán khống, đang “đánh xuống” giá cổ phiếu vì họ dự báo giá còn xuống nữa.
Cuộc khủng hoảng năm 2008, xuất phát từ các khoản cho vay dưới chuẩn, có một tập đoàn tài chính được xem là khâu yếu nhất nên sụp đổ trước – Lehman Brothers; cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997-1998 khâu yếu nhất là quỹ đầu cơ LTCM.
Cả thập niên vừa qua, giới tài chính đã quá quen với nền lãi suất gần bằng 0, các ngân hàng đầu tư đua nhau tìm nơi đem lại lợi nhuận cao bất kể thời hạn dài, rủi ro cao, dễ quay đầu thua lỗ một khi lãi suất tăng nhanh. Nay lãi suất khắp nơi tăng mạnh để kiềm chế lạm phát làm âm ỉ nỗi lo về một cuộc khủng hoảng mới.
Vì thế không lạ gì khi thị trường muốn chỉ tên Credit Suisse như một khâu yếu nhất cho cuộc khủng hoảng đang hình thành. Đó mới là điều đáng lo chứ không phải duy một mình số phận của một ngân hàng tầm cỡ thế giới.
Nguồn: Tổng hợp