Phần 1: Giải thích các vấn đề về tâm lý trong đầu tư

Quản lý cảm xúc là yếu tố hàng đầu quyết định sự thành bại của một nhà đầu tư. Do đó, chúng ta cần hiểu rõ phương pháp, cách thức nhằn kiểm soát tâm lý một cách hiệu quả, logic nhất tránh đưa ra quyết định đầu tư cảm tính. Việc kiểm soát tâm lý ổn định giúp nhà đầu tư có thể rút ngắn thời gian để thành công và chiến thắng thị trường hơn.

Tâm lý đầu tư quyết định đến mọi sự thành bại của bất kỳ nhà đầu tư nào. Do đó, nằm vững chiến lược quản lý tâm lý là điều tối quan trọng. Vậy tâm lý đầu tư là gì?

1 . Tâm lý đầu tư là gì?

Tâm lý đầu tư là một thuật ngữ chuyên môn chỉ tất cả cảm xúc, cảm giác và hành vi liên quan của một nhà đầu tư khi thực hiện hoạt động đầu tư trên thị trường. Cảm xúc thúc đẩy quyết định của nhà đầu tư từ đó đưa tới lợi nhuận hoặc rủi ro trong một vị thế mua hoặc bán.

Thông thường, tâm lý đầu tư gồm cảm xúc tích cực hoặc cảm xúc tiêu cực. Nhưng thông thường các nhà đầu tư thường dễ gặp cảm xúc tiêu cực hơn là tích cực. Hai thái cực cảm xúc cần chú ý đó là tham lam và sợ hãi.

Chúng chi phối việc “gồng lãi” và “gồng lỗ” và tạo nên các sai lầm như gia tăng đòn bẩy, mua bất chấp, bán hoảng loạn… và đưa ra những hành động phi lý trí khác. Rất khó để chính bản thân chúng ta có thể loại bỏ hoặc chế ngự cảm xúc này, trừ khi có phương pháp kiểm soát cụ thể.

Hãy xem xét hai cảm xúc thường gặp trong đầu tư:

  • Lòng tham: Đây là cảm xúc khiến một nhà đầu tư mở một vị thế quá lâu để cố gắng chắt chiu từng xu cuối cùng từ nó. Lòng tham thúc đẩy nhà đầu tư liên tục mở các vị thế rủi ro và đầu cơ. Thông thường, cảm xúc này xuất hiện phổ biến nhất vào pha tăng giá của thị trường khi đầu cơ diễn ra rầm rộ.
  • Sợ hãi: Đây là cảm xúc ngược lại, đây là lý do mọi người hoảng loạn bán sớm cắt lỗ và chịu rủi ro. Nỗi sợ hãi này là phổ biến hơn trong thị trường gấu (giảm giá), khiến một số nhà đầu tư thoát ra sớm một cách phi lý trí.

 

2. Kiểm soát tâm lý đầu tư quan trọng như thế nào?

Là một nhà đầu tư, việc hiểu rõ cảm xúc và suy nghĩ của mình là điều vô cùng quan trọng. Hãy tưởng tượng nếu chúng ta mất một hay vài ba triệu đồng thì chuyện đó chẳng nhằm nhò gì, tuy nhiên khi chúng ta mất hàng chục triệu, trăm triệu thậm chí lên cả tỷ bạc thì có lẽ cảm xúc của chúng ta ngay bây giờ đang rất khác.

Hoảng sợ, tham lam, lo lắng hay hưng phấn là tử huyệt vô hình khiến chúng ta hành xử phi lý trí. Khi nắm bắt được tử huyệt cảm xúc sẽ giúp ta có được tiền bạc, sức khỏe và cả thành công trong đầu tư.

Ông Mark Douglas – Chuyên gia hàng đầu về tâm lý đầu tư & Tác giả quyển sách nổi tiếng “Trading in the Zone”, từng phát biểu rằng:

“If your goal is to trade like a professional and be a consistent winner, then you must start from the premise that the solutions are in your mind and not in the market.” – Mark Douglas

(Tạm dịch: Nếu bạn muốn đầu tư như một chuyên gia và luôn thắng trong mọi đầu tư, thì bạn phải bắt đầu từ tiền đề giải pháp nằm trong tâm trí bạn chứ không phải trên thị trường”)

Câu nói được trích ra từ quyển sách “Trading in the Zone” của ông. Dù xuất bản đã hơn hai thập kỷ, nhưng quyển sách được đánh giá như một tuyệt tác trong đầu tư ngày nay.

Khi chúng ta bắt đầu thực hiện một phi vụ đầu tư chứng khoán, ta thường tập trung toàn bộ sự chú ý vào thị trường. Nói một cách đơn giản, khi thị trường đi lên thì chúng ta vui và khi đi xuống thì chúng ta buồn. Đúng không? Tuy nhiên, vấn đề quan trọng không nằm ở “Mr. Market” mà chính tâm lý của bản thân chúng ta.

Một nhà đầu tư thành công, họ luôn có cách quản lý cảm xúc của mình hiệu quả, ngay cả khi đám đông hoảng loạn hay hưng phấn. Đưa ra các quyết định đúng đắn sẽ giúp chúng ta loại bỏ cảm xúc tiêu cực khỏi sự lệch chuẩn, sai hướng và phi lý trí… càng sớm càng tốt và sẽ giúp chúng ta dễ dàng thành công hơn

3. Các tâm lý đầu tư thường gặp ở các nhà đầu tư F0 (nhà đầu tư chưa có nhiều kinh nghiệm)

8 khung bậc cảm xúc trong đầu tư

Tỷ phú Warren Buffett với phương pháp đầu tư giá trị từng phát biểu rằng: “Hãy tham lam khi người khác sợ hãi, và hãy sợ hãi khi người khác tham lam”.

Câu nói cho bất kỳ ai đầu tư trên thị trường chứng khoán đều phải nằm lòng. Một khi chúng ta đầu tư, thì tâm lý đầu tư đóng vai trò tối quan trọng.

Tuy nhiên, trên thực tế không phải bất kỳ nhà đầu tư nào cũng hiểu rõ, áp dụng và kiểm soát tâm lý dễ dàng.

Khung bậc cảm xúc theo dạng hình Sin gồm 8 cảm xúc khác nhau, gồm:

  • Tâm lý lạc quan: Khi bước vào đầu tư, tâm lý lạc quan là bậc cảm xúc đầu tiên của bất kỳ ai. Với một triển vọng tích cực được vẽ nên thì chúng ta có xu hướng phấn chấn, dễ dàng ra quyết định đầu tư. Tâm lý này thường xuất hiện khi thị trường đi vào xu hướng Uptrend (tăng giá).
  • Niềm tin: Bên cạnh lạc quan, yếu tố niềm tin của các nhà đầu tư luôn được thể hiện rõ khi thị trường Uptrend. Chẳng hạn, khi chúng ta nảy ra một vài ý tưởng về việc mua cổ phiếu và từ đó tạo rót vốn liên tục để kỳ vọng vào mức sinh lãi cao hơn.
  • Hưng phấn: Hưng phấn chính là khung bậc cảm xúc ở mức rủi ro cao nhất trên thị trường. Khi chúng ta đang ở trạng thái hưng phấn thì mọi quyết định đầu tư được xem như phi lý trí. Khi đó, chúng ta nhồi lệnh, mua đuổi và mua bất chấp một cách dễ dàng, nhanh chóng. Chính vì cảm xúc quá đỗi hưng phấn ấy, nhiều người đang quên đi rủi ro mà họ đang sắp gặp phải. Họ tin rằng mọi đầu tư trên thị trường đều dễ dàng sinh lợi nhuận. Từ đó, tạo thành làn sóng tăng mạnh trên thị trường, nhà nhà người người đổ xô rót tiền vào thị trường tài chính, chứng khoán như trong con sóng tăng từ giữa năm 2020 đến cuối năm 2021 vừa rồi.
  • Lo lắng: Xảy ra khi nhà đầu tư bắt đầu ngờ vực về số tài sản mình đang nắm khi cảm thấy nguy cơ thua lỗ đang đến gần. Nhưng thực tế cho thấy, sau hưng phấn, cảm xúc lo lắng thường bị các nhà đầu tư phớt lờ đi, chỉ vì đơn giản “Thế nào cũng tăng lại mà!”. Khi đó, dấu hiệu thị trường đảo chiều vẫn chưa thực sự rõ nét và nhà đầu tư rất hiếm khi bán cổ phiếu trong giai đoạn này.
  • Sợ hãi: Khi thị trường càng trở nên biến động phức tạp, khó lường trước được, các nhà đầu tư bắt đầu với tâm lý e dè, sợ hãi đặt lệnh và bắt đầu suy nghĩ kỹ lưỡng hơn. Họ bắt đầu nghĩ rằng, những cổ phiếu đó không thể tăng trở lại nữa. Khi đó, thị trường có dấu hiệu Downtrend (giảm giá) rõ rệt và bắt đầu hiện tượng bán xuất hiện.
  • Tuyệt vọng: Khi lâm vào sợ hãi, các nhà đầu tư dần chuyển sang cảm xúc tuyệt vọng. Nhường như không còn cách nào để hành động với số tài sản mà họ đang nắm giữ. Thua lỗ triền miên, nợ vay chồng chất, tâm lý bất ổn… và mọi thứ đi theo chiều hướng đi xuống và họ bắt đầu hành động một cách thiếu suy nghĩ. Đây có thể nói chính là biểu hiện cuối cùng và đáng sợ nhất trong đầu tư. Khi tuyệt vọng, thị trường bắt đầu bán tháo và xu hướng Downtrend càng rõ rệt với hàng loạt cú lao dốc không ngừng. Nhà đầu tư không còn bất kỳ với hy vọng với việc có thể hòa vốn.
  • Hoảng loạn: Đến lúc khi cạn kiệt suy nghĩ, các nhà đầu tư chuyển sang bán tháo, bán lỗ bằng mọi giá. Tuy nhiên, đến với cảm xúc này thì có lẻ nhà đầu tư cũng đã mất mát quá nhiều với hàng loạt quyết định trước đó.
  • Tức giận: Sau khi trải qua các giai đoạn, hoảng loạn và tuyệt vọng thì tiếp đến nhà đầu sẽ dễ bị kích động và nóng giận. Họ thua lỗ, và liên tục đổ lỗi cho thị trường chứng khoán, cho sàn môi giới, cho khả năng lãnh đạo của cơ quan cấp cao. Từ đây một loạt các nhà đầu tư F0 rời khỏi thị trường.

Phần tiếp theo sẽ chỉ ra các nguyên nhân dẫn đến các vấn đề tâm lý trong đầu tư.

Nguồn: Tổng hợp