1. Tôi còn nhớ rõ ngày đầu tiên bắt đầu tìm hiểu về đầu tư chứng khoán.

Tôi thật sự đắm đuối trong các biểu đồ kỹ thuật, các chỉ số tài chính và những phân tích chi tiết của các công ty chứng khoán.

Tuy nhiên, khi bắt đầu đầu tư thực tế, tôi thật sự bị choáng ngợp.

Tôi không biết bắt đầu từ đâu và làm thế nào để tìm ra cổ phiếu đúng để đầu tư.

Sau nhiều ngày nghiên cứu và học hỏi, tôi nhận ra rằng chỉ số tài chính chính là một trong những công cụ hữu ích nhất để giúp tôi đánh giá tính khả thi của một doanh nghiệp trước khi đầu tư.

Nhưng tại sao chỉ số tài chính lại quan trọng đến vậy?

Bạn có từng bị lừa bởi một doanh nghiệp có doanh thu tăng trưởng nhanh chóng, nhưng lại không có lợi nhuận?

Tôi đã trải qua điều đó và hiểu rõ tầm quan trọng của việc sử dụng các chỉ số tài chính để đánh giá tính khả thi của doanh nghiệp.

Trong bài viết này, tôi sẽ chia sẻ với bạn về những chỉ số tài chính quan trọng nhất mà tôi đã học được, tại sao chúng quan trọng và cách áp dụng chúng trong đầu tư.

Tôi hy vọng rằng những kiến thức này sẽ giúp bạn tránh được những sai lầm khi đầu tư và tìm ra những cơ hội đầu tư tiềm năng.

Chỉ số tài chính là gì?

Chỉ số tài chính là các tỷ lệ được tính bằng cách chia một số liệu tài chính này so với một số liệu khác.

Đây là một công cụ phân tích tài chính được sử dụng để đo lường và đánh giá hiệu quả hoạt động và tình hình tài chính của một doanh nghiệp.

Ví dụ như bạn lấy lợi nhuận chia cho doanh thu để xem với 1 đồng doanh thu thì doanh nghiệp làm ra bao nhiêu đồng lợi nhuận.

Những thông tin này sẽ giúp bạn – tư cách là nhà đầu tư, cổ đông, ngân hàng hay các bên liên quan khác đưa ra quyết định đầu tư và quản lý tài chính một cách hiệu quả.

Các nhóm chỉ số tài chính phổ biến bao gồm tỷ suất lợi nhuận, chỉ số thanh toán, đòn bẩy tài chính và hiệu suất hoạt động.

Chỉ số tài chính

Tại sao chỉ số tài chính quan trọng đối với nhà đầu tư?

Được tính toán chủ yếu từ báo cáo tài chính, chỉ số tài chính là một trong những công cụ quan trọng giúp bạn đánh giá được tình trạng tài chính của một doanh nghiệp.

Nó giúp bạn đánh giá xem một công ty:

  • Có đang hoạt động hiệu quả hay không?
  • Liệu nó có đủ khả năng trả lời các nợ đang có hay không?
  • Hay công ty đó có đang tạo ra lợi nhuận cho bạn hay không?

Việc nắm rõ các chỉ số tài chính sẽ giúp bạn đưa ra quyết định đầu tư thông minh và giảm thiểu được rủi ro không cần thiết.

Nếu các chỉ số tài chính cho thấy một doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, bạn có thể quyết định đầu tư vào doanh nghiệp đó.

Ngược lại, nếu các chỉ số tài chính cho thấy một doanh nghiệp đang gặp vấn đề tài chính, bạn nên tránh xa hoặc cân nhắc bán các khoản đầu tư hiện có trong doanh nghiệp đó.

Nhưng trước khi sử dụng các chỉ số tài chính này để đưa ra quyết định đầu tư, bạn cần phải hiểu rõ ý nghĩa của từng chỉ số và các yếu tố bên ngoài ảnh hưởng đến các chỉ số này.

Lưu ý: Trước khi chúng ta tiếp tục thì tôi có 2 lưu ý nho nhỏ:

  • Một là, bài viết này sẽ khá dài (vì có ví dụ thực tế và tôi có chia sẻ một vài mẹo khi sử dụng trong phân tích). Bạn có thể sử dụng Mục lục để tiện cho việc theo dõi nhé.
  • Thứ hai, tôi sẽ lựa chọn để giới thiệu đến bạn 1 vài chỉ số phổ biến nhất, dễ dùng nhất. Có thể chỉ số tài chính mà bạn biết lại không thấy có trong bài viết này, thì cũng đừng quá lo lắng. Về cơ bản thì chúng cũng tương tự các chỉ số tài chính mà tôi đề cập. Điều quan trọng là bạn biết được mục đích và hiểu cách áp dụng chúng khi phân tích.

4 nhóm chỉ số tài chính phổ biến nhất

Dưới đây là 4 nhóm chỉ số tài chính được sử dụng nhiều nhất khi chúng ta đi phân tích một doanh nghiệp.

#1. Nhóm Tỷ suất lợi nhuận

Nhóm chỉ số tài chính đầu tiên bạn cần nắm rõ khi đánh giá một công ty, đó là nhóm chỉ số về tỷ suất lợi nhuận.

Nhóm tỷ suất lợi nhuận được tính dựa trên lợi nhuận của công ty so với doanh thu hoặc tài sản, hoặc nguồn vốn.

Nó phản ánh khả năng sinh lời của công ty và cũng là một trong những chỉ số quan trọng mà bạn nên sử dụng để đánh giá khả năng tăng trưởng và sinh lời của công ty trong tương lai.

chỉ số tài chính

Vì sao nhóm chỉ số tỷ suất lợi nhuận lại quan trọng đến vậy?

Bởi vì tỷ suất lợi nhuận cho phép bạn biết được lợi nhuận thu được từ mỗi đồng đầu tư vào công ty.

Tỷ suất lợi nhuận càng cao, có nghĩa là công ty đang sinh lời tốt và có thể đem lại lợi ích cho bạn.

Ngược lại, nếu tỷ suất lợi nhuận quá thấp, có thể thấy công ty đang gặp khó khăn trong việc tăng trưởng và không thể đem lại lợi ích cho nhà đầu tư.

Do đó, bạn cần phải quan tâm đến nhóm chỉ số này để có được một cái nhìn toàn diện về khả năng sinh lời và tăng trưởng của công ty mà bạn đang đầu tư.

Các chỉ số tỷ suất lợi nhuận phổ biến nhất bao gồm:

Tỷ suất lợi nhuận gộp (Biên lợi nhuận gộp)

Tỷ suất lợi nhuận gộp (hay Biên lợi nhuận gộp) là một chỉ số tài chính thể hiện tỷ lệ giữa lợi nhuận gộp và doanh thu.

Đây là một chỉ số quan trọng giúp bạn đánh giá khả năng kiếm lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh của công ty. Đồng thời, nó cho biết mức độ hiệu quả của việc quản lý chi phí và giá thành sản phẩm.

Công thức tính biên lợi nhuận gộp là:

Biên lợi nhuận gộp = Lợi nhuận gộp / Doanh thu thuần x 100%

Trong đó, Lợi nhuận gộp là lợi nhuận (kế toán) thu được từ doanh thu sau khi trừ đi chi phí sản xuất. Doanh thu là tổng số tiền công ty thu được từ hoạt động kinh doanh.

Simplize-Chỉ số tài chính
Doanh thu thuần và Lợi nhuận gộp năm 2022 của VNM (Nguồn: Simplize – Số liệu tài chính)

Ví dụ, Doanh thu thuần 2022 của cổ phiếu VNM là 59,956.25 tỷ đồng. Sau khi trừ đi giá vốn hàng bán, Lợi nhuận gộp 2022 của VNM là 23,897.23 tỷ đồng.

Khi đó, bạn sẽ tính được Biên lợi nhuận gộp 2022 là: 23,897.23 / 59,956.25 x 100% = 39.86%

Vì sao biên lợi nhuận gộp là một yếu tố quan trọng trong nhóm tỷ suất lợi nhuận?

  • Thứ nhất, biên lợi nhuận gộp cho bạn thấy được khả năng của doanh nghiệp trong việc sản xuất và bán sản phẩm với giá cao hơn chi phí sản xuất.

Biên lợi nhuận gộp cao hơn chứng tỏ công ty có khả năng kiểm soát chi phí sản xuất và giá thành sản phẩm tốt hơn.

Ngược lại, biên lợi nhuận gộp thấp hơn cho thấy công ty đang phải đối mặt với các khó khăn về chi phí sản xuất (chi phí sản xuất đang tăng lên) hoặc giá bán hàng (giảm giá bán sản phẩm).

  • Thứ hai, bạn có thể sử dụng biên lợi nhuận gộp để so sánh hiệu quả sản xuất kinh doanh giữa các doanh nghiệp khác cùng ngành với nhau.

Một doanh nghiệp có biên lợi nhuận cao hơn mức trung bình ngành chỉ ra rằng doanh nghiệp đó đang có lợi thế cạnh tranh lớn.

Vì lợi thế cạnh tranh sẽ giúp doanh nghiệp có thể duy trì mức giá cao hơn so với giá vốn.

Doanh nghiệp có thể tăng giá bán mà không sợ sẽ làm ảnh hưởng quá nhiều đến nhu cầu mua của khách hàng.

Vậy biên lợi nhuận gộp bao nhiêu là tốt?

Điều này phụ thuộc vào từng ngành và loại hình kinh doanh cụ thể.

Thông thường, biên lợi nhuận gộp của công ty đạt từ 30% đến 40% thì được xem là một mức biên lợi nhuận gộp tốt.

Simplize - Chỉ số tài chính - Biên lợi nhuận gộp
Cổ phiếu FPT duy trì biên lợi nhuận gộp gần 40% trong suốt 5 năm qua (Nguồn: Simplize – Số liệu tài chính)

Nếu biên lợi nhuận gộp của công ty < 20% thì bạn nên cẩn trọng khi đầu tư vào công ty đó.

#Tips: Bạn có thể sử dụng bộ lọc cổ phiếu trên Simplize để lọc ra những doanh nghiệp đang có biên lợi nhuận gộp > 30%

Sử dụng bộ lọc cổ phiếu trên Simplize để lọc ra những doanh nghiệp có biên lợi nhuận gộp trên 30% (Nguồn: Simplize – Bộ lọc cổ phiếu)

Ngoài ra, nếu chỉ số này thấp hơn mức trung bình ngành cho thấy rằng công ty có thể đang gặp khó khăn về mặt sản xuất hoặc quản lý chi phí.

  • Xem thêm: Cách sử dụng Biên lợi nhuận gộp trong đầu tư.

Tỷ suất lợi nhuận sau thuế (Biên lợi nhuận ròng)

Tỷ suất lợi nhuận sau thuế (hay Biên lợi nhuận ròng) là tỷ lệ giữa lợi nhuận sau thuế và doanh thu thuần bán hàng hoặc cung cấp dịch vụ của công ty.

Nó thể hiện mức độ hiệu quả của công ty trong việc kiểm soát chi phí và quản lý hoạt động kinh doanh.

Công thức tính biên lợi nhuận ròng là:

Biên lợi nhuận ròng = Lợi nhuận sau thuế / Doanh thu thuần x 100%

Simplize-Chỉ số tài chính
Lợi nhuận sau thuế và doanh thu thuần năm 2022 của VNM (Nguồn: Simplize – Số liệu tài chính)

Quay lại ví dụ về cổ phiếu VNM, năm 2022 lợi nhuận sau thuế đạt 8,577.58 tỷ đồng. Vậy, biên lợi nhuận ròng năm 2022 được tính bằng: 8,577.58 / 59,956.25 x 100% = 14.31%

Biên lợi nhuận ròng cũng là một yếu tố quan trọng trong nhóm tỷ suất lợi nhuận.

Bởi vì chỉ tiêu này cho phép bạn đánh giá khả năng sinh lời của công ty và so sánh với các đối thủ cạnh tranh trên thị trường.

  • Nếu biên lợi nhuận ròng của công ty tăng cao, điều đó cho thấy công ty có khả năng tạo ra lợi nhuận cao từ mỗi đơn vị doanh thu.
  • Ngược lại, nếu biên lợi nhuận ròng giảm, điều đó có thể cho thấy rằng chi phí của công ty đang tăng hoặc doanh thu của công ty đang giảm. Nếu bạn đang có ý định đầu tư vào những công ty này thì nên tìm hiểu kỹ xem công ty có đang làm gì để cải thiện hiệu quả hoạt động kinh doanh hay không?

Bên cạnh đó, việc đánh giá biên lợi nhuận ròng của một công ty không thể chỉ dựa trên một con số cố định.

Tỷ lệ biên lợi nhuận ròng tốt hay xấu sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm ngành công nghiệp, quy mô công ty, mức độ phổ biến của sản phẩm hoặc dịch vụ của công ty và cảnh báo rủi ro trong ngành…

Bạn cũng nên so sánh biên lợi nhuận ròng của công ty với các công ty đối thủ cùng ngành để đánh giá hiệu quả hoạt động kinh doanh của công ty.

Simplize - Chỉ số tài chính
Hóa chất Đức Giang (DGC) có biên lợi nhuận ròng năm 2022 cao gấp 1.6 lần mức trung bình ngành Hóa chất Việt Nam (Nguồn: Simplize – Đánh giá 360 | Hiệu quả hoạt động)
  • Xem thêm: Cách sử dụng Biên lợi nhuận ròng trong đầu tư

Tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE)

Chỉ số tài chính quan trọng tiếp theo mà tôi muốn giới thiệu đến bạn, đó là Tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (Return on Equity – ROE).

Chỉ số tài chính này được sử dụng để đánh giá hiệu quả sử dụng vốn của công ty và khả năng tạo lợi nhuận cho nhà đầu tư.

Được tính bằng:

ROE = Lợi nhuận sau thuế / Vốn chủ sở hữu bình quân x 100%

Chỉ số ROE cho bạn biết:

Với 100 đồng vốn chủ sở hữu bỏ ra thì doanh nghiệp sẽ thu về bao nhiêu đồng lợi nhuận?

Đây cũng chính là điều mà một nhà đầu tư quan tâm khi bỏ tiền đầu tư vào doanh nghiệp.

Simplize - Chỉ số tài chính
ROE năm 2022 của DGC đạt 70.34%, tức là với 100 đồng vốn chủ sở hữu bỏ ra thì doanh nghiệp thu về 70 đồng lợi nhuận sau thuế (Nguồn: Simplize – Số liệu tài chính)

Một doanh nghiệp có chỉ số ROE ổn định ở mức cao, có thể được xem như một dấu hiệu cho thấy vốn được sử dụng hiệu quả.

Bên cạnh đó, tiêu chuẩn ROE với từng ngành nghề là khác nhau.

Vì vậy, bạn chỉ nên sử dụng ROE để so sánh các cổ phiếu trong cùng ngành với nhau. Và nên xem xét ROE toàn ngành để có quyết định đầu tư hiệu quả nhất.

Ví dụ, nếu quan tâm tới ngành Hóa chất, thì nên ưu tiên những cổ phiếu có ROE cao hơn trung bình toàn ngành.

Simplize - Chỉ số tài chính
Cổ phiếu ngành Hóa chất có ROE cao hơn mức trung bình ngành (Nguồn: Simplize)

Nhìn chung thì bạn sẽ cần phải xem xét ROE kết hợp với các chỉ số tài chính khác để đánh giá toàn diện về tình hình tài chính và hiệu quả hoạt động của công ty.

#2. Nhóm Chỉ số thanh toán

Chỉ số thanh toán là các chỉ số tài chính giúp bạn đánh giá khả năng của doanh nghiệp trong việc thanh toán các khoản nợ ngắn hạn.

Những chỉ số này cho biết tình trạng thanh khoản của doanh nghiệp, tức là khả năng chuyển đổi tài sản sang tiền mặt để thanh toán các khoản nợ khi cần thiết.

Các chỉ số thanh toán phổ biến mà bạn nên biết bao gồm:

Tỷ lệ thanh toán hiện hành

Tỷ lệ thanh toán hiện hành là chỉ số tài chính quan trọng đầu tiên trong nhóm chỉ số thanh khoản.

Nó thể hiện khả năng của doanh nghiệp trong việc thanh toán các khoản nợ ngắn hạn bằng tài sản ngắn hạn của mình.

* Nợ ngắn hạn là các khoản nợ mà doanh nghiệp phải thanh toán (chi trả) trong vòng 1 năm tới.

Tỷ lệ thanh toán hiện hành được xác định theo công thức:

Tỷ lệ thanh toán hiện hành = Tài sản ngắn hạn / Nợ ngắn hạn

Ví dụ: Dựa vào báo cáo tài chính năm 2022, tại 31/12/2022 cổ phiếu HVN có:

Chỉ số tài chính
Nguồn: Simplize – Số liệu tài chính | Chỉ số tài chính
  • Tài sản ngắn hạn: 12,315.71 tỷ đồng
  • Nợ ngắn hạn: 53,138.97 tỷ đồng

–> Bạn sẽ tính được tỷ lệ thanh toán hiện hành của HVN là: 12,315.71 / 53,138.97 = 0.23 (lần)

Con số 0.23 này cho chúng ta thấy:

HVN đang gặp áp lực tài chính rất lớn trong ngắn hạn, khi mà các tài sản ngắn hạn của doanh nghiệp chỉ có thể đảm bảo cho khoảng 1/4 giá trị các khoản nợ ngắn hạn!

Nếu tỷ lệ thanh toán hiện hành của doanh nghiệp quá thấp (đặc biệt là khi < 1), cho thấy doanh nghiệp đang gặp khó khăn trong việc thanh toán các khoản nợ của mình. Điều này có thể dẫn đến rủi ro về tài chính hoặc mất uy tín đối với các đối tác kinh doanh.

Với trường hợp tỷ lệ thanh toán hiện hành thấp, hay doanh nghiệp đang gặp khó khăn về tài chính (như ở ví dụ trên)…

…thì vấn đề chúng ta cần đánh giá tiếp đó là:

Rất có thể, doanh nghiệp đó sẽ không thể thanh lý các tài sản ngắn hạn bằng đúng giá trị ghi trên sổ sách được.

Ví dụ như hàng tồn kho, là loại tài sản có tính thanh khoản thấp.

Đôi khi doanh nghiệp sẽ phải hạ giá bán hàng tồn kho thì mới có thể nhanh chóng thu được tiền về trả nợ.

Vì vậy, chúng ta cần phải xem xét tiếp đến một chỉ tiêu tài chính quan trọng khác trong nhóm chỉ số thanh khoản.

Đó chính là Tỷ lệ thanh toán nhanh.

Tỷ lệ thanh toán nhanh

Tỷ lệ thanh toán nhanh cho bạn biết:

Khả năng thanh toán nhanh chóng các khoản nợ ngắn hạn của công ty mà không cần phải thanh lý khẩn cấp hàng tồn kho (do hàng tồn kho là tài sản có tính thanh khoản thấp hơn).

Công thức tính:

Tỷ lệ thanh toán nhanh = (Tài sản ngắn hạn – Hàng tồn kho) / Nợ ngắn hạn

Thông thường:

  • Nếu tỷ lệ thanh toán nhanh cao (thường là > 1) cho thấy công ty có đủ tài sản ngắn hạn để trả nợ và có thể tiếp tục hoạt động bình thường.
Chỉ số tài chính VNM
Tỷ lệ thanh toán nhanh của cổ phiếu VNM trong 3 năm gần nhất (Nguồn: Simplize – Số liệu tài chính | Chỉ số tài chính)
  • Ngược lại, nếu tỷ lệ thanh toán nhanh thấp, điều này cho thấy công ty đang gặp khó khăn trong việc quản lý tài chính.

Tuy nhiên, bạn cũng cần lưu ý rằng một tỷ lệ thanh toán nhanh quá cao cũng không phải là tốt.

Nếu tỷ lệ thanh toán nhanh quá cao, điều này có thể cho thấy công ty đang giữ quá nhiều tiền mặt và chưa sử dụng hiệu quả tài nguyên (tài sản) của mình.

Do đó, để đánh giá tỷ lệ thanh toán nhanh, bạn cần so sánh với các công ty cùng ngành để có cái nhìn rõ hơn về khả năng quản lý tài chính của công ty.

Tỷ lệ thanh toán lãi vay

Tỷ lệ thanh toán lãi vay là một chỉ số tài chính dùng để đo lường khả năng chi trả lãi vay của một doanh nghiệp.

Công thức tính:

Tỷ lệ thanh toán lãi vay = Lợi nhuận trước thuế, lãi vay và khấu hao (EBITDA) / Chi phí lãi vay

Tỷ lệ thanh toán lãi vay cho biết khả năng chi trả tiền lãi vay của doanh nghiệp dựa trên phần lợi nhuận hoạt động (EBITDA).

Có thể bạn sẽ bắt gặp một phiên bản khác của tỷ lệ này, đó là:

Lợi nhuận trước lãi vay (EBIT) / Chi phí lãi vay

Cho biết khả năng chi trả tiền lãi vay của doanh nghiệp dựa trên phần lợi nhuận trước khi trả lãi vay.

Đừng hoang mang!

Vì như mình đã lưu ý ở đầu bài viết, sẽ có nhiều chỉ số tương tự nhau, quan trọng là bạn hiểu được mục đích và cách áp dụng các chỉ tiêu tài này.

Về cơ bản, các chỉ số về thanh toán lãi vay được sử dụng để đánh giá khả năng chi trả nợ vay của doanh nghiệp.

  • Tỷ lệ thanh toán lãi vay cao, có nghĩa là công ty có khả năng trả lãi vay tốt và đang hoạt động hiệu quả.
  • Ngược lại, tỷ lệ thanh toán lãi vay quá thấp, điều này có thể cho thấy doanh nghiệp rủi ro trong việc trả nợ và khả năng gặp rắc rối tài chính trong tương lai.
Chỉ số tài chính
Đánh giá tỷ lệ thanh toán lãi vay của VNM trên Simplize (Nguồn: Simplize – Phân tích 360 | Sức khỏe tài chính)

#3. Nhóm Đòn bẩy tài chính

Nhóm chỉ số đòn bẩy tài chính giúp bạn đánh giá mức độ sử dụng nợ (vay) của doanh nghiệp để tài trợ cho hoạt động kinh doanh.

Những chỉ số này sẽ cho bạn biết mức độ phụ thuộc vào vốn vay của doanh nghiệp và khả năng thanh toán các khoản nợ vay đó.

Tỷ lệ nợ vay trên vốn chủ sở hữu

Tỷ lệ nợ vay trên vốn chủ sở hữu đo lường mức độ sử dụng các nguồn vốn vay so với nguồn vốn chủ sở hữu để tài trợ cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

Bạn có thể tính toán tỷ lệ này theo công thức:

Tỷ lệ nợ vay trên vốn chủ sở hữu = Tổng nợ vay / Vốn chủ sở hữu x 100%

Trong đó, Tổng nợ vay là tổng số tiền mà doanh nghiệp nợ các bên liên quan, bao gồm cả các khoản nợ ngắn hạn và dài hạn.

Tỷ lệ nợ vay/vốn chủ sở hữu cao thể hiện rằng công ty đang tăng trưởng dựa nhiều trên vốn vay nợ.

Tuy nhiên, tùy vào ngành và quy mô của doanh nghiệp mà chúng ta đánh giá mức độ phù hợp của tỷ lệ nợ vay trên vốn chủ sở hữu có thể khác nhau.

Nhìn chung, tỷ lệ nợ vay trên vốn chủ sở hữu < 100% được coi là tốt, đồng nghĩa với việc doanh nghiệp sử dụng ít vốn vay hơn so với vốn chủ sở hữu của mình để tài trợ cho hoạt động kinh doanh.

Tuy nhiên, trong một số trường hợp cụ thể, như các doanh nghiệp start-up hoặc các công ty có kế hoạch mở rộng quy mô sản xuất…

…thì tỷ lệ nợ vay/vốn chủ sở hữu có thể cao hơn so với các doanh nghiệp khác.

Chỉ số tài chính HPG
Tỷ lệ Nợ vay/VCSH của HPG trong 5 năm gần nhất. Tỷ lệ này sau khi tăng vọt từ 59.83% (2018) lên 91.43%(2020) thời điểm HPG đầu tư dự án Dung Quất, thì đến 2022, tỷ lệ nợ vay/VCSH đã giảm về tương đương 2018 (Nguồn: Simplize – Số liệu tài chính | Chỉ số tài chính)

Trong trường hợp này, bạn cần phải xem xét tỷ lệ này kỹ lưỡng hơn (nên kết hợp với nhóm chỉ số khác, như tỷ lệ thanh toán…) để đánh giá khả năng trả nợ của công ty và khả năng sinh lời trong tương lai.

#4. Nhóm Hiệu suất hoạt động

Nhóm chỉ số hiệu suất hoạt động được sử dụng khi bạn muốn đánh giá năng lực quản lý, sử dụng tài sản hiện có trong doanh nghiệp.

Vòng quay tài sản

Vòng quay tài sản (asset turnover) là một chỉ số đo lường hiệu suất sử dụng tài sản của doanh nghiệp trong việc tạo ra doanh thu.

Vòng quay tài sản = Doanh thu / Tổng tài sản bình quân x 100%

Chỉ số này cho biết:

1 đồng tài sản của doanh nghiệp có thể tạo ra bao nhiêu doanh thu trong kỳ?

Đây là 1 tỷ lệ khá đơn giản, dễ tính và dễ hiểu.

Chỉ số tài chính
Vòng quay tài sản của LIX là 2.35, tức là với 1 đồng tài sản thì doanh nghiệp này tạo ra 2.35 đồng doanh thu trong năm 2022 (Nguồn: Simplize – Số liệu tài chính | Chỉ số tài chính)

Warren Buffett cực kỳ thích những doanh nghiệp có tỷ lệ Vòng quay tài sản cao.

Những doanh nghiệp này theo ông là những doanh nghiệp tuyệt vời, có thể tạo ra dòng tiền tăng trưởng cho cổ đông mà không phải đầu tư liên tục tài sản quá nhiều.

Để bạn có thể hiểu đầy đủ về tỷ lệ này, tôi sẽ đưa ra ví dụ đơn giản sau đây:

Giả sử bạn đang đánh giá 2 doanh nghiệp A và B trong cùng 1 ngành nghề có cùng quy mô về tài sản nhưng vòng quay tài sản của A cao hơn B rất nhiều, nghĩa là doanh thu của A lớn hơn so với B (vì tài sản bằng nhau).

Vậy bạn cần đào sâu điều gì?

Hãy nhớ lại 1 khái niệm rất cơ bản về doanh thu:

Doanh thu = Sản lượng bán ra (tiêu thụ) x Giá bán

Vậy vòng quay tài sản chênh lệch nhau nói lên điều gì?

Hoặc sản lượng của A lớn hơn sản lượng của B.

Hoặc giá bán của A lớn hơn giá bán của B.

Hoặc là cả 2 điều trên.

Dù lý do có là gì thì rõ ràng A đang có 1 lợi thế cạnh tranh đặc biệt mà B không có được.

Cùng 1 quy mô tài sản (nhà máy, nhà xưởng, máy móc…) mà A có thể sản xuất với công suất cao hơn, bán ra được nhiều hơn, thậm chí khả năng thương hiệu của A chắc chắn vượt trội hơn B rất nhiều vì A còn bán được hàng với giá cao hơn B.

A không cần phải cạnh tranh với B về giá mà vẫn bán được nhiều sản lượng hơn.

Vậy A có lợi thế cạnh tranh hay B có lợi thế cạnh tranh?

Bạn đã hiểu được câu chuyện chứ?

Bên cạnh đó, tỷ lệ vòng quay tài sản bao nhiêu là tốt phụ thuộc vào ngành và quy mô của doanh nghiệp. Tuy nhiên, chỉ số này thường được xem là tốt nếu nó cao hơn so với ngành hoặc so với lịch sử của doanh nghiệp.

Vòng quay hàng tồn kho

Vòng quay hàng tồn kho là một chỉ số đo lường khả năng của công ty trong việc quản lý hàng tồn kho, đồng thời cũng cho bạn biết tần suất hàng hóa được bán trong một khoảng thời gian nhất định.

Đây là một trong các chỉ số quan trọng trong nhóm chỉ số hiệu suất hoạt động.

Tuy nhiên, bạn chỉ nên sử dụng tỷ lệ này đối với những doanh nghiệp sản xuất và thương mại hàng hóa, những doanh nghiệp có tỷ trọng hàng tồn kho trên tài sản cao.

Công thức tính vòng quay hàng tồn kho như sau:

Vòng quay hàng tồn kho = Giá vốn bán hàng / Giá trị hàng tồn kho bình quân

Số vòng quay hàng tồn kho phụ thuộc rất lớn vào đặc điểm của ngành kinh doanh, chính sách tồn kho của doanh nghiệp.

Thông thường, số vòng quay hàng tồn kho lớn hơn so với các doanh nghiệp cùng ngành, thể hiện việc tổ chức, quản lý dự trữ của doanh nghiệp là tốt. Doanh nghiệp rút ngắn được chu kỳ kinh doanh, giảm lượng vốn bỏ vào hàng tồn kho.

Nếu số vòng quay hàng tồn kho thấp, cho thấy doanh nghiệp có thể dự trữ vật tư quá mức, dẫn đến ứ đọng hàng tồn kho hoặc tình hình tiêu thụ sản phẩm chậm.

Bạn cũng cần lưu ý, vòng quay hàng tồn kho tốt đối với một công ty phụ thuộc vào ngành nghề hoạt động và quy mô của công ty đó.

Thông thường, vòng quay hàng tồn kho tốt nằm trong khoảng từ 5 đến 10 lần mỗi năm, tuy nhiên, đối với một số ngành nghề như bán lẻ hoặc hàng tiêu dùng nhanh, vòng quay hàng tồn kho có thể cao hơn.

Từ số vòng quay hàng tồn kho, bạn sẽ tính được số ngày trung bình thực hiện 1 vòng quay hàng tồn kho:

Số ngày xử lý hàng tồn kho = 365 / Vòng quay hàng tồn kho

Sau khi đã nắm được các nhóm chỉ số tài chính và ý nghĩa của chúng, thì để phân tích chỉ số tài chính một cách hiệu quả, bạn sẽ cần phải áp dụng một số cách tiếp cận và kỹ thuật phân tích khác nhau.

Phân tích chỉ số tài chính trong doanh nghiệp

Dưới đây là một số cách phân tích chỉ số tài chính phổ biến mà bạn nên biết:

So sánh với ngành, với các doanh nghiệp trong ngành

So sánh với các doanh nghiệp cùng ngành là một cách phân tích chỉ số tài chính quan trọng, giúp bạn đánh giá hiệu quả của doanh nghiệp so với các đối thủ cạnh tranh trong cùng ngành.

Phương pháp này sẽ giúp bạn đánh giá khả năng cạnh tranh của công ty trong ngành, hiểu được vị trí của công ty trên thị trường và đưa ra những quyết định kinh doanh hiệu quả.

Ví dụ, nếu một công ty có ROE cao hơn so với các công ty khác trong cùng ngành, điều này cho thấy công ty đó đang hoạt động hiệu quả hơn, tạo ra nhiều lợi nhuận hơn cho cổ đông.

Simplize-Chỉ số tài chính trong doanh nghiệp BMP
ROE của BMP (23.66%) cao hơn mức ROE trung bình ngành Vật liệu xây dựng dân dụng Việt Nam (9.92%). Thậm chí đây là mức ROE cao nhất so với các doanh nghiệp Vật liệu xây dựng được đem ra so sánh (Nguồn: Simplize – Phân tích 360 | Hiệu quả hoạt động)

Tuy nhiên, khi so sánh các chỉ số tài chính của một công ty với ngành, bạn cũng cần lưu ý rằng mỗi công ty đều có các đặc thù riêng và có thể có chiến lược kinh doanh khác nhau.

Vì thế, việc bạn đi so sánh chỉ số tài chính của công ty với ngành cũng cần phải xem xét kỹ lưỡng và đánh giá các yếu tố khác như quy mô, vị trí, mô hình kinh doanh, chiến lược, sản phẩm và dịch vụ cung cấp… để đưa ra những kết luận đúng đắn và chính xác.

Phân tích xu hướng lịch sử

Phân tích xu hướng lịch sử cũng là một phương pháp phân tích chỉ số tài chính trong doanh nghiệp.

Phương pháp này sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về biến động của các chỉ số tài chính của doanh nghiệp trong quá khứ, từ đó đưa ra những dự báo về tương lai.

Trong việc phân tích xu hướng lịch sử, bạn nên chú ý đến các chỉ số tài chính quan trọng như doanh thu, lợi nhuận, tỷ suất lợi nhuận và các chỉ số khác liên quan đến hoạt động kinh doanh của công ty…

Việc xem xét xu hướng tăng trưởng của các chỉ số này theo thời gian sẽ cho bạn một cái nhìn tổng quan về khả năng phát triển của công ty trong tương lai.

Ví dụ như cổ phiếu FPT, có thể thấy doanh nghiệp này đang duy trì được mức biên lợi nhuận gộp khá ổn định trong 5 năm qua.

Thậm chí, giai đoạn Covid 19 (2020 – 2021) thì FPT vẫn giữ được biên lợi nhuận gộp ~39%.

Vì thế, trong những năm tới, tôi cho rằng FPT vẫn có thể duy trì mức biên lợi nhuận gộp này (ở kịch bản bình thường), thậm chí còn có thể tăng thêm nếu như doanh nghiệp tiếp tục kiểm soát tốt chi phí.

Tuy nhiên, bạn cũng cần phải lưu ý rằng, việc phân tích xu hướng lịch sử không đảm bảo rằng tình hình trong tương lai sẽ giống như trong quá khứ. Nhưng đây vẫn là một chỉ báo quan trọng để đánh giá tiềm năng tăng trưởng của công ty.

Bên cạnh đó, khi phân tích xu hướng lịch sử, bạn cũng nên xem xét thêm cả các yếu tố bên ngoài như môi trường kinh doanh, cạnh tranh, chính sách thuế và quản lý công ty…

Tầm quan trọng của bối cảnh kinh tế

Bối cảnh kinh tế cũng rất quan trọng khi bạn phân tích chỉ số tài chính trong doanh nghiệp.

Bởi nó có thể ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của công ty đó.

Những biến động trong kinh tế, chính trị, xã hội, môi trường và công nghệ… có thể tác động đến các chỉ số tài chính và hiệu suất của công ty.

Trong thời kỳ suy thoái kinh tế, việc tiêu thụ sản phẩm và dịch vụ giảm sút có thể dẫn đến giảm doanh thu của doanh nghiệp, từ đó ảnh hưởng đến lợi nhuận và các chỉ số tài chính khác của doanh nghiệp.

Tương tự, trong thời kỳ phục hồi kinh tế, các doanh nghiệp có thể tăng trưởng nhanh hơn và có thể đạt được các chỉ số tài chính cao hơn.

Chỉ số tài chính trong doanh nghiệp
Trong thời kỳ suy thoái kinh tế, việc tiêu thụ sản phẩm và dịch vụ giảm sút có thể dẫn đến giảm doanh thu của doanh nghiệp, từ đó ảnh hưởng đến lợi nhuận và các chỉ số tài chính khác của doanh nghiệp

Ví dụ cụ thể, khi kinh tế toàn cầu chịu ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 vào năm 2020, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch, hàng không, khách sạn và nhà hàng chịu ảnh hưởng nặng nề, với việc giảm sút doanh thu và lợi nhuận đáng kể.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ, đặc biệt là các doanh nghiệp cung cấp các sản phẩm và dịch vụ trực tuyến lại ghi nhận tăng trưởng mạnh mẽ trong năm 2020.

Do đó, phân tích bối cảnh kinh tế rất quan trọng để giúp bạn hiểu rõ hơn về tình hình kinh doanh của doanh nghiệp và ảnh hưởng của nó đến các chỉ số tài chính của doanh nghiệp.

Những cảnh báo (red-flags) khi phân tích chỉ số tài chính trong doanh nghiệp

Trong quá trình phân tích chỉ số tài chính, ngoài việc tìm ra các chỉ số tốt và đánh giá hiệu suất hoạt động của công ty, bạn cũng cần lưu ý đến những cảnh báo (red-flags) khi phân tích chỉ số tài chính.

Những cảnh báo này có thể là dấu hiệu của sự mất cân bằng tài chính của công ty hoặc là tín hiệu cảnh báo về khả năng hoạt động của công ty trong tương lai.

Dưới đây là một số cảnh báo thường gặp (mà bạn nên biết) khi phân tích chỉ số tài chính trong doanh nghiệp:

  • Biên lợi nhuận gộp có xu hướng giảm
  • Biên lợi nhuận ròng thấp hơn mức trung bình ngành
  • Vòng quay tài sản có xu hướng giảm
  • Vòng quay hàng tồn kho có xu hướng giảm
  • Tỷ lệ chi trả lãi vay < 1
  • Tỷ lệ nợ vay trên vốn chủ sở hữu cao hơn trung bình ngành
  • Tỷ lệ thanh toán tổng quát thấp hơn trung bình ngành
  • Tỷ lệ thanh toán nhanh < 1

Tất nhiên những cảnh báo này không đại diện cho tất cả các cảnh báo có thể xảy ra trong quá trình chúng ta phân tích chỉ số tài chính. Tuy nhiên, đây là những điểm bạn cần chú ý khi phân tích chỉ số tài chính trong doanh nghiệp.

Ngoài ra, việc phân tích chỉ số tài chính không thể chỉ dựa trên một chỉ số hay một năm tài chính mà chúng ta còn phải xem xét toàn bộ hồ sơ tài chính của công ty.

Đồng thời phải kết hợp với các thông tin khác như lĩnh vực hoạt động của công ty, chiến lược kinh doanh, các thay đổi trong ngành và bối cảnh kinh tế… để đưa ra quyết định đầu tư chính xác.

Lưu ý khi phân tích chỉ số tài chính trong doanh nghiệp

Mặc dù chỉ số tài chính rất hữu ích trong việc giúp chúng ta phân tích tình hình tài chính của một công ty.

Nhưng không phải vì thế mà bạn dựa hoàn toàn vào các chỉ số tài chính này để đưa ra quyết định đầu tư.

Chỉ số tài chính không phải là tất cả!

Chúng chỉ là một phần trong bức tranh toàn cảnh của công ty và không thể thay thế cho việc nghiên cứu kỹ lưỡng về sản phẩm, dịch vụ, thị trường, cạnh tranh và quản lý của công ty…

Chỉ số tài chính
Chỉ số tài chính chỉ là một mảnh ghép trong bức tranh toàn cảnh về doanh nghiệp

Trong quá trình đầu tư, bạn cần phải tích hợp các thông tin từ nhiều nguồn khác nhau để đưa ra quyết định đầu tư thông minh.

Để đánh giá một doanh nghiệp một cách toàn diện hơn, bạn cần xem xét nhiều yếu tố khác nhau, bao gồm:

  • Lĩnh vực kinh doanh và vị thế thị trường của doanh nghiệp
  • Chiến lược kinh doanh và quản lý của doanh nghiệp
  • Các yếu tố kinh tế, chính trị và xã hội có ảnh hưởng đến doanh nghiệp
  • Sự cạnh tranh và môi trường kinh doanh trong ngành
  • Khả năng phát triển và tăng trưởng của doanh nghiệp trong tương lai

Chỉ khi kết hợp các yếu tố này với các chỉ số tài chính, bạn mới có thể có một cái nhìn đầy đủ và chính xác về doanh nghiệp và đưa ra quyết định đầu tư đúng đắn.

Kết luận

Trên đây là những kiến thức cơ bản về chỉ số tài chính và cách phân tích chúng.

Hiểu rõ về chỉ số tài chính là một trong những yếu tố quan trọng giúp bạn đưa ra quyết định đầu tư chính xác và hiệu quả.

Tuy nhiên, để đưa ra quyết định đúng đắn và hiệu quả, bạn sẽ cần phải nhìn vào toàn bộ bức tranh doanh nghiệp, kết hợp với các yếu tố khác như bối cảnh kinh tế, xu hướng lịch sử, tầm nhìn và chiến lược của doanh nghiệp.

Khi phân tích chỉ số tài chính trong doanh nghiệp, bạn nên so sánh với các công ty trong cùng ngành để đánh giá khả năng cạnh tranh của công ty đó.

Chỉ số tài chính của một công ty có thể rất tốt so với các công ty khác trong một ngành nào đó, nhưng lại thấp so với các công ty khác trong một ngành khác.

Việc so sánh sẽ giúp có cái nhìn tổng quan về vị trí của công ty trong ngành và khả năng cạnh tranh của công ty trong tương lai.

chỉ số tài chính

Bối cảnh kinh tế có ảnh hưởng đáng kể đến chỉ số tài chính của một công ty.

Nếu một ngành nào đó đang trong giai đoạn phát triển, các công ty trong ngành có thể có kết quả tài chính tốt hơn so với các công ty trong ngành khác.

Tuy nhiên, nếu ngành đó đang trong giai đoạn suy thoái, các công ty trong ngành đó có thể gặp khó khăn trong việc duy trì hoạt động kinh doanh và kết quả tài chính có thể bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Do đó, bạn cần luôn lưu ý bối cảnh kinh tế và tiếp cận với sự cân nhắc khi phân tích chỉ số tài chính trong doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, bạn cũng cần biết đến những “cảnh báo” trong quá trình bạn phân tích chỉ số tài chính để tránh những rủi ro không đáng có.

Cuối cùng, hãy nhớ rằng chỉ số tài chính là một công cụ hữu ích trong việc đánh giá một doanh nghiệp, tuy nhiên nó không phải là tất cả.

Những yếu tố khác như chất lượng sản phẩm và dịch vụ, thị trường tiềm năng, tầm nhìn chiến lược và quản lý,… cũng là những yếu tố quan trọng cần được xem xét khi đánh giá một doanh nghiệp.

Hy vọng rằng bài viết này đã giúp bạn hiểu rõ hơn về chỉ số tài chính trong doanh nghiệp và cách sử dụng chúng để đưa ra quyết định đầu tư chính xác.