George Soros, một trong những ông trùm tài chính khét tiếng ở phố Wall, lại chuẩn bị ra tay khuấy đảo thị trường, lần này là ý định mua lại cổ phần của hãng phim lừng danh Hollywood, hãng Paramount Pictures.
Tin từ Nhật báo phố Wall ra ngày 9/1 cho hay Paramount Pictures có thể sẽ đồng ý bán lại xưởng phim lớn rất quen thuộc là DreamWorks mà người sáng lập không ai khác là đạo diễn lừng danh Steven Spielberg và David Geffen, cho một quỹ đầu tư tư nhân do huyền thoại tài chính Soros đứng đầu.
Theo đó, hợp đồng có khả năng sẽ được dứt điểm trước cuối tháng 1 này. Cho tới thời điểm này, giá trị hợp đồng chưa được tiết lộ song thường thì ông trùm này không mấy khi làm mấy chuyện lẻ tẻ dưới 1 tỷ USD! Hơn nữa, xưởng phim khổng lồ ấy không bao giờ rẻ đối với bất cứ ai.
Như mọi lần, cứ mỗi khi George Soros “động đậy” là cả thị trường tài chính phải chú ý cao độ, bởi ai cũng hiểu, nếu Soros “hắt hơi” ở đâu thì thị trường tài chính nơi đó sẽ có những chuyển biến vô cùng lớn.
George Soros – từ người bồi bản thành tỷ phú
Cái tên George Soros đã trở nên hết sức quen thuộc với phố Wall cũng như với toàn thế giới. Người ta biết đến ông như một nhà tỷ phú thành công nhất trong lĩnh vực đầu tư tư bản. Phía sau những thành công đó, Soros là một nhà kinh doanh đầy cá tính và đã phải trải qua nhiều thăng trầm trong kinh doanh…
Soros là người Do Thái, sinh ra ở Hungary vào ngày 12/8/1930. Tuổi thơ của nhà tỷ phú này gắn liền với những ngày kinh hoàng khi phát xít Đức tàn sát người Do Thái trong cuộc chiến tranh thế giới thứ hai. Khi còn nhỏ, ông được dạy rằng người Do Thái có thể chạy chứ không được lẩn trốn! Năm 1947, cậu bé Soros sang London một mình, bắt đầu cuộc đời khốn khó của dân nhập cư.
Công việc ban đầu của ông tại đất nước này là bồi bàn ở một hiệu ăn sang trọng ở London, khi cả gia đình đang phải sống bằng trợ cấp xã hội. 18 tuổi, với số tiền kiếm được bằng nghề thu hoạch táo và sơn nhà thuê, George Soros ghi danh vào Học viện kinh tế London. Sau giờ học, ông còn phải làm người gác đêm ở một ga tàu hỏa. Tại đây, Soros tốt nghiệp trường Kinh doanh London vào năm 1952.
Năm 1956, Soros sang Mỹ đoàn tụ với bố mẹ và các anh chị em, và nhập quốc tịch Mỹ. Đây là nơi ông bắt đầu khởi nghiệp với 5.000USD ban đầu, bắt đầu sự nghiệp tài chính với cá tính táo bạo và quyết đoán trong đầu tư.
Phương châm của Soros khá đặc biệt: trong kinh doanh, việc đúng hay sai không quan trọng, cái quan trọng là nếu đúng sẽ có được bao nhiêu tiền, và nếu sai sẽ mất bao nhiêu tiền. Có nhiều sự kiện chứng minh hùng hồn cho lập luận trên.
Kiếm 1 tỷ USD trong vòng 1 tuần!
Năm 1973, sau một thời gian hoạt động trong lĩnh vực trọng tài thương mại quốc tế, ông thành lập Công ty quản lý tài chính Soros với số vốn 17 triệu đôla. Sáu năm sau đó, ông đã tăng ngân sách của mình lên 100 triệu đôla. Thành công bước đầu này của Soros là nhờ sự kết hợp giữa khả năng phân tích sắc sảo thị trường tài chính thế giới và sự can đảm trong đầu tư. Ông chấp nhận hoặc mất, hoặc được từng ấy tiền trong chớp mắt.
Hay như năm 1992, ông thu được một món lợi lớn từ những dự đoán chính xác của mình về thị trường tiền tệ thế giới. Ông đặt cược cả gia tài vào sự sụt giá của đồng Bảng Anh và còn mạnh dạn vay hàng tỷ Bảng Anh và đổi sang đồng Mác Đức. Và thực tế diễn ra đúng như dự đoán của Soros: đồng Bảng Anh rớt giá thảm hại đến mức bị loại khỏi rổ tiền tệ châu Âu, ông trả nợ bằng tiền Bảng Anh đã mất giá và thu lợi tới 1 tỷ đôla chỉ trong vòng một tuần!
Kẻ đầu cơ tiền vĩ đại nhất thế kỷ XX
Một sự kiện khiến cái tên George Soros lại xuất hiện trên tất cả các hàng tít của các tờ báo lớn trên thế giới, đó là cuộc khủng hoảng tài chính – tiền tệ ở châu Á mùa hè năm 1997. Bắt đầu từ Thái Lan, cuộc khủng hoảng theo hiệu ứng đôminô nhanh chóng lan ra toàn châu Á trong nhiều tháng tiếp theo. Như một kết quả tất yếu, các thị trường chứng khoán tại châu Á tụt dốc nhanh chóng.
Đợt sóng này tràn đến phố Wall vào tháng 10/1997. Tâm lý lo ngại cuộc khủng hoảng kinh tế tại châu Á sẽ kéo theo một loạt sự sụp đổ các thị trường tài chính trên toàn cầu đã làm dấy lên làn sóng bán cổ phiếu tại Mỹ vào ngày 27/10. Cũng vào ngày hôm đó, chỉ số Dow Jones rớt 554,26 điểm, vượt trên mức kỷ lục của “Ngày thứ hai đen tối” 1987.
Những sự kiện này khiến Soros được biết đến như một nhà đầu cơ tiền mặt “vĩ đại” nhất của thế kỷ XX. Điều đó cho thấy Soros không chỉ là nhà kinh doanh có đầu óc nhạy bén, mà còn là một người cực kỳ thực dụng. Ông luôn đưa ra quyết định dựa trên những xét đoán về điều đúng và điều sai theo phương châm trên. Soros đã từng làm cho biết bao người phải khổ sở bởi quyết định của ông có ảnh hưởng rất lớn đến thị trường tài chính quốc tế. Nhưng những quyết định đó lại đáng giá hàng tỷ đôla!
George Soros tỏ ra là một nhà kinh doanh biết chấp nhận rủi ro và dám chịu mất mát. Sau nhiều pha đầu tư có thể làm người khác thót tim, đến năm 1993 là năm George Soros đạt mức thu nhập kỷ lục 1,1 tỷ USD, vượt trên tất cả các đối thủ tại phố Wall. Cả thế giới biết đến Soros như kẻ làm mất uy tín của một trong những đồng tiền có giá trị bậc nhất thế giới.
Ông chủ của công ty cực kỳ thành công
Sau một thời gian lãnh đạo Công ty quản lý tài chính, Soros thành lập Soros Quantum Fund và đến năm 1998, giá trị của quỹ này tăng lên tới 6 tỷ đôla. Tháng 7/2000, Soros sáp nhập Quantum Fund với Quantum Emerging Growth Fund thành Quantum Endowment Fund. Hiện nay, Soros vừa là chủ tịch hội đồng quản trị vừa là Tổng giám đốc công ty.
Quantum Fund của Soros được đánh giá là quỹ đầu tư thành công nhất trong lịch sử kinh tế thế giới. Trong suốt thập niên 1970, hầu hết các nhà đầu cơ giá xuống đều bị thua lỗ, riêng Quantum lợi nhuận vẫn tăng mạnh hàng năm. Quantum chỉ có một năm lỗ duy nhất trong suốt 30 năm hoạt động là năm 1981. Ngày nay, Quantum là một trong những quỹ hùng mạnh nhất trong số 3.000 quỹ tương hỗ trên thế giới. Các chi nhánh của nó trải dài từ Trung đến Đông Âu, Nga, Trung Đông, Nam Mỹ, Guatemala và Mỹ.
Có lẽ một trong những yếu tố làm nên thành công của George Soros là ông luôn say sưa làm việc không mệt mỏi, ngay cả khi đã ở cái tuổi “thập cổ lai hy” như vậy. Ông thường làm việc liên tục với mỗi đêm chỉ ngủ 2 giờ!
George Soros cho biết cũng như bao nhà đầu tư khác để có được quyết định đúng, ông phải thu thập các thông tin và phân tích chúng một cách tỉ mỉ, cộng thêm một chút bản năng vốn có và may mắn mới tạo ra được sự thành công.
Mọi người đi bên phải, riêng Soros bên trái
Mọi người đi bên phải, riêng Soros đi bên trái nhưng lại tỏ ra mình đúng đường. Đó là nhận định của nhiều chuyên gia kinh tế phố Wall trước đây cũng như ngày nay.
Trái với nhiều nhà kinh tế, học thuyết cơ bản của ông về đầu tư là thị trường tài chính – nơi bất ổn nhất. Tại đó, các mức giá cổ phiếu, trái phiếu, tiền tệ phụ thuộc vào người mua và người bán mà đa số họ thường hành động theo cảm tính chứ không bằng những tính toán lôgic.
Ông tin rằng các nhà đầu tư luôn chịu tác động lẫn nhau và có xu hướng dịch chuyển theo số đông. George Soros cố gắng hiểu được hướng đi của số đông đó. Tuy nhiên, đến thời điểm quyết định, ông sẽ tách khỏi xu hướng chung và đi con đường riêng có lợi nhất cho mình. Cái khó với mỗi nhà đầu tư là phải biết thời điểm quyết định đó sẽ đến vào lúc nào!
Năm 2004, George Soros đứng thứ 24 trong danh sách những người giàu nhất thế giới, với giá trị tài sản 7,2 tỷ USD. Đứng thứ 24 thế giới nhưng nhà tỷ phú gốc Do Thái này nổi tiếng là nhân vật số một trong giới tài chính. Người ta tin rằng ông có thể một tay che cả bầu trời, làm mất giá bất kỳ đồng tiền mạnh nào trên thế giới hay gây ra một cuộc khủng hoảng kinh tế bởi những cư dân của phố Wall và thị trường tài chính London luôn dõi theo và sẵn sàng dập khuôn theo ông.
Theo các nhà phân tích, George Soros là nhà đầu cơ ngắn hạn, hoạt động kinh doanh của ông mang tính trục lợi rất cao, đầu tư những khoản tiền lớn nhưng mang nhiều tính đánh bạc trên cơ sở những biến động của thị trường tài chính toàn cầu. Do đó, sau sự kiện này, nhất cử nhất động của George Soros đều thu hút sự chú ý đặc biệt của các quan chức Chính phủ và ngân hàng trung ương của tất cả các nước.
Nhật Vy
Vietnamnet