CTCP Đầu tư phát triển Đức Quân (FTM) là doanh nghiệp chuyên kinh doanh trong ngành sợi, đặc biệt là sợi cotton. Thời điểm tháng 9/2019, cổ phiếu FTM đã gây rúng động thị trường chứng khoán với màn thao túng giá có một không hai trong lịch sử thị trường chứng khoán Việt Nam.

Niêm yết trên HOSE vào ngày 6/2/2017, FTM đã có giá đóng cửa phiên giao dịch đầu tiên là 16.000 đồng/cổ phiếu. Giá FTM không có quá nhiều biến động cho đến cuối tháng 11/2018. Sau đó giá tăng khá mạnh và lên mức 25.000 đồng/cổ phiếu vào thời điểm giữa năm 2019 (9/7/2019). Tuy vậy, vào trung tuần tháng 8/2019, cổ phiếu này đã giảm sàn 30 phiên liên tiếp, đưa giá FTM về mức chưa tới 3,000 đồng/cổ phiếu. Các công ty lúc này chứng khoán ồ ạt bán ra để call margin nhưng lực bất tòng tâm vì cổ phiếu lúc này hầu như không có thanh khoản. Theo ghi nhận, có tới 11 công ty chứng khoán và 1 ngân hàng thiệt hại hàng trăm tỷ do phi vụ này. Trong danh sách này không chỉ là những công ty nhỏ mà xuất hiện những cái tên thuộc top đầu của ngành như VND, MBS, SHS, TPB…. Vậy FTM đã làm các công ty chứng khoán điêu đứng bằng cách nào?

Các công ty chứng khoán thông thường sẽ có các nghiệp vụ cốt lõi bao gồm môi giới, cho vay margin, tự doanh và tư vấn tài chính/phát hành. Trong đó, cho vay margin là một mảng kinh doanh đem lại lợi nhuận tốt và ổn định cho các công ty này. Bằng việc cầm cố các cổ phiếu của khách hàng làm tài sản đảm bảo trong tài khoản, công ty chứng khoán sẽ cấp cho khách hàng sức mua để có thể mua thêm cổ phiếu bằng tiền vay trên tài khoản của mình.

Khi cho vay margin, các công ty chứng khoán sẽ định giá cổ phiếu dựa trên các yếu tố như chất lượng tài sản, chất lượng lợi nhuận, dòng tiền tương lai của doanh nghiệp, hay thậm chí cả những mối quan hệ,… để ra một giá tính làm tài sản đảm bảo. Tài sản đảm bảo này thường sẽ thấp hơn thị giá cổ phiếu đang giao dịch trên sàn. Và các CTCK sẽ giải ngân cho vay một phần trên giá trị tài sản đảm bảo đó.

Với FTM, thị giá trên sàn trong Q3/2019 của cổ phiếu rơi vào khoảng 24,000 đồng/cổ phiếu. Tuy vậy, theo BCTC quý 3/2019 của Agriseco (AGR), CTCK này định giá 2.4 triệu cổ phiếu FTM thế chấp ở mức 16.5 tỷ đồng. Tức định giá của FTM rơi vào khoảng 7,000 đồng/cổ phiếu. Và các CTCK sẽ dựa vào tính thanh khoản của cổ phiếu cùng các yếu tố trên để cho vay với một tỷ lệ xác định.

Thủ đoạn được cho là nhóm cổ đông lớn tại FTM đã tận dụng chính sách margin của công ty chứng khoán để cầm cố cổ phiếu FTM giai đoạn giá cao. Với việc nắm giữ đến hơn 90% cổ phần tại FTM, không khó để ban lãnh đạo và đội lái tại FTM đã tạo cung cầu giả để “làm thanh khoản” kéo giá cổ phiếu FTM lên cao. Bước tiếp theo, nhiều tài khoản cá nhân sở hữu lượng lớn cổ phiếu FTM được mở tại các công ty chứng khoán mà theo thừa nhận đều là các tài khoản liên quan đến ông Lê Mạnh Thường – khi đó là Chủ tịch HĐQT FTM – đã cầm cố một lượng cổ phiếu nhất định ở mỗi công ty chứng khoán để lấy sức mua. Sau đó, họ sẽ dùng chính sức mua được cấp trên tài khoản các công ty chứng khoán để mua vào cổ phiếu FTM trên sàn với giá 24,000 đồng/cổ phiếu. Các bạn có đoán ra được bên bán là ai chưa? Đó chính là tài khoản của ban lãnh đạo FTM và đội lái. Các công ty chứng khoán sẽ mất số tiền cho FTM cầm cố vay margin để mua chính cổ phiếu FTM trên sàn. Đổi lại họ sẽ nhận thêm nhiều cổ phiếu FTM hơn về mình. Sau khi chuyển nhượng tới 60% cổ phần cho các CTCK, ban lãnh đạo FTM cao chạy xa bay. Lúc này cổ phiếu FTM giảm không phanh do không còn ai làm thanh khoản. Các công ty chứng khoán sẽ phải “call margin” để thu hồi vốn, nhưng lúc này không còn ai mua nữa. Việc “call margin” tạo hiệu ứng hòn tuyết lăn khi cả 11 công ty đều phải bán giải chấp để thu hồi khoản vay, dẫn đến 30 phiên sàn liên tiếp của FTM.

Câu hỏi đặt ra là nếu hơn 90% cổ phần tại FTM thuộc sở hữu thực tế bởi các cổ đông lớn này, chẳng phải họ sẽ là bên thiệt hại nhiều nhất nếu giá cổ phiếu giảm?  Lúc này chúng ta quay lại với lịch sử hình thành của FTM, từ mức vốn điều lệ 50 tỷ đồng ban đầu, FTM có 3 lần tăng vốn lên 80 tỷ đồng (thay đổi cơ cấu góp vốn các cổ đông sáng lập và góp bằng tiền), tương tự cho lần tăng vốn lên 150 tỷ đồng vào năm 2012. Cơ cấu cổ đông của FTM lúc này là các cổ đông sáng lập gồm ông Thường chiếm 80% vốn điều lệ, ông Phạm Thành Đồng và ông Phạm Ngọc Toàn nắm giữ 20% vốn điều lệ. Cho đến năm 2015, vốn điều lệ FTM tăng lên 500 tỷ đồng (có 2 đợt góp: 150 tỷ đồng bằng tài sản của Công ty cổ phần Tập đoàn Đại Cường, đợt 2: góp bằng tiền 28,8 tỷ đồng và tài sản 41,2 tỷ đồng). Tuy nhiên, giá trị thực tế của gần 200 tỷ đồng tài sản này lại chưa thể kiểm chứng được. Như vậy với 500 tỷ đồng vốn góp này, chỉ có khoảng hơn 300 tỷ đồng là góp bằng tiền mặt. Tức giá trị mỗi cổ phiếu có thể sẽ thấp hơn mệnh giá 10,000 đồng rất nhiều. Trong khi đó, ban lãnh đạo có thể lập tức thu lại tiền mặt ngay trên sàn. Với giá bán 24,000 đồng/cổ phiếu, nếu tính toán nhanh thì khoản tiền thu về ước tính rơi vào khoảng hơn 700 tỷ đồng, lớn hơn nhiều so với 500 tỷ đồng vốn góp ban đầu.

Các công ty chứng khoán sau đó đã tìm kiếm các bằng chứng về việc đặt lệnh của các tài khoản và được biết, phần lớn các tài khoản đều thực hiện đăng nhập và đặt lệnh thông qua các địa chỉ IP giống nhau và có địa chỉ đăng ký tại 2 tòa nhà ở Hà Nội là tầng 6, Tòa nhà Lya Building, số 24, ngõ 12, phố Đào Tấn, Ba Đình và tầng 9, tòa nhà Icon 4, số 243 La Thành, Hà Nội.

Đây là địa chỉ kinh doanh cũ và mới của Công ty SMD Holding, là công ty có nhiều nhân viên môi giới và cộng tác viên là người trực tiếp đi liên hệ mở tài khoản chứng khoán cho nhóm khách hàng trên tại các công ty chứng khoán. Điều này cho thấy vai trò trung gian thao túng giao dịch cổ phiếu FTM của SMD Holding. Các công ty chứng khoán cho biết, các cá nhân mở tài khoản và vay margin đều thừa nhận đứng tên hộ cho ông Lê Mạnh Thường, nguyên Chủ tịch HĐQT FTM. Đồng thời, các chủ tài khoản hoàn toàn không biết về các giao dịch đã được thực hiện trên tài khoản mang tên họ được mở tại các công ty chứng khoán.

Mặc dù vậy, phải đến năm 2021, UBCKNN mới ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính với ông Lê Mạnh Thường và bà Phạm Thị Phương mỗi người 600 triệu đồng với cùng lỗi vi phạm thao túng giá, sử dụng 50 tài khoản để giao dịch nhằm mục đích tạo cung cầu giả, thao túng giá cổ phiếu FTM. Khoản tiền phạt này là quá nhỏ so với khoản lợi nhuận thu được từ thương vụ trên.

Thực tế đây là chiêu trò không mới trên thị trường ở thời điểm đó. Nhưng rồi chính các CTCK với đội ngũ kiểm soát rủi ro, phân tích hùng hậu vẫn bị đánh lừa. Và nếu bạn là nhà đầu tư thì bạn cũng hoàn toàn có thể rơi vào các trường hợp tương tự. Do đó hãy trang bị cho mình một kiến thức tài chính thật vững chắc để nhận ra những dấu hiệu ngay từ đầu.