Khi lãi suất và lạm phát tăng cao, giới nhà giàu châu Á tìm cách bảo vệ khối tài sản triệu USD khỏi những biến động của thị trường.

Giới nhà giàu châu Á đổ tiền vào những thị trường tư nhân hoặc các tài sản an toàn hơn như tiền mặt và vàng. 

Theo Bloomberg, khi lạm phát tăng cao, những ngân hàng trung ương trên khắp thế giới mạnh tay nâng lãi suất, các thị trường liên tục biến động, giới nhà giàu ở châu Á đang trở nên thận trọng.

Theo một nghiên cứu của tập đoàn Lombard Odier (Thụy Sĩ), những cá nhân nắm giữ hơn 1 triệu USD đang tìm cách bảo vệ khối tài sản của mình trước sự biến động của thị trường.

Họ tránh xa cổ phiếu, trái phiếu, tập trung vào các công ty riêng hoặc những tài sản được coi là an toàn như vàng và tiền mặt. Giới nhà giàu châu Á cũng xa lánh tiền mã hóa do tính biến động quá cao.

Đầu tư thận trọng hơn

“Các nhà đầu tư khu vực châu Á – Thái Bình Dương đang trở nên thận trọng hơn trong việc xây dựng danh mục đầu tư. Họ chuyển hướng sang những khoản đầu tư an toàn hơn hoặc tài sản riêng”, ông Vincent Magnenat, phụ trách khu vực châu Á tại Lombard Odier, nhận định.

“Đồng thời, họ cũng đa dạng hóa khu vực đầu tư ra khỏi các thị trường địa phương”, ông nói thêm. Ngoài ra, vị chuyên gia cho biết tỷ lệ của những tài sản kỹ thuật số trong danh mục đầu tư của giới nhà giàu châu Á rất thấp.

Theo Bloomberg Billionaires Index, khi giá cổ phiếu công nghệ lao dốc mạnh, lạm phát và lãi suất tăng vọt, tổng tài sản của 500 người giàu nhất thế giới đã bốc hơi 1.400 tỷ USD trong vỏn vẹn nửa đầu năm nay.

Trong 2 năm qua, khi các ngân hàng trung ương nới lỏng chính sách tài khóa và tiền tệ để hỗ trợ nền kinh tế vượt qua đại dịch, những tài sản rủi ro như cổ phiếu và tiền mã hóa đã tăng trưởng phi mã, giúp giới nhà giàu kiếm bộn tiền.

Theo Lombard Odier, 77% người được phỏng vấn cho biết mối lo ngại lớn nhất của họ hiện giờ là giá cả leo thang và tác động của lạm phát đối với kinh tế toàn cầu.

50% người được hỏi lo ngại về sự biến động trên thị trường. 56% trong số đó đã đa dạng hóa danh mục đầu tư để đề phòng biến động.

Những cá nhân nắm giữ trên 1 triệu USD ở châu Á cũng xa lánh tiền mã hóa. 83% người được hỏi cho biết họ không đầu tư, hoặc đầu tư ít hơn 5% vào loại tài sản này.

Giá Bitcoin – đồng tiền mã hóa lớn nhất thế giới – đã mất mốc 19.000 USD/đồng, lao dốc 72,58% so với mức kỷ lục 68.789 USD/thùng được thiết lập hồi tháng 11 năm ngoái. Tổng giá trị vốn hóa của toàn bộ thị trường tiền mã hóa cũng rơi xuống dưới ngưỡng 1.000 tỷ USD, bốc hơi 2.000 tỷ USD so với đỉnh.

Các thị trường tư nhân lên ngôi

Tập đoàn ngân hàng Thụy Sĩ cho rằng mối lo ngại về tính thanh khoản thấp, nhất là ở những tỷ phú lớn tuổi, đã thúc đẩy dòng tiền chảy vào thị trường tài sản tư nhân.

Theo Lombard Odie, các nhà đầu tư châu Á tin rằng điều này cho phép họ nắm bắt những thay đổi về cơ cấu và có thể quản lý rủi ro. Dẫn đầu xu hướng là giới nhà giàu ở Singapore và Australia. Khoảng 60% người được phỏng vấn có kế hoạch tăng đầu tư vào các thị trường tư nhân.

Cuộc khảo sát của Lombard Odier được thực hiện với 450 cá nhân giàu nhất ở Singapore, Hong Kong, Nhật Bản, Thái Lan, Philippines, Indonesia, Đài Loan và Australia. Công ty Thụy Sĩ quản lý khoảng 358 tỷ franc Thụy Sĩ (tương đương 363 tỷ USD) của các khách hàng trên toàn cầu.

Theo bà Jean-Francois Aboulker – phụ trách các khách hàng có tài sản cực cao, giới nhà giàu ở mọi thị trường, mọi độ tuổi đều đang lo ngại về tình trạng thiếu quản lý, những rủi ro không thể lường trước và tính biến động trên thị trường.

Nguồn: Tổng hợp