Nhiều câu hỏi của DN được đặt ra cho các diễn giả, chuyên gia trong hội thảo “Chiến lược phát triển bền vững cho Doanh nghiệp”, được tổ chức chiều nay 06/9/2017, tại Khách sạn Victory 14 Võ Văn Tần, Quận 3, Tp.Hồ Chí Minh.
DN cần xác rõ mục tiêu
Theo đó, tại buổi hội thảo các DN cho rằng, cần phải có khái niệm rõ ràng về việc làm thế nào để DN phát triển bền vững. Khi đầu tư vào một lĩnh vực nào đó, điều đầu tiên DN nghĩ tới là doanh thu và lợi nhuận. Do đó, yếu tố phát triển bền vững luôn luôn là những vấn đề nóng mà DN quan tâm để xác định đầu tư cái gì và cái gì không nên đầu tư để có hiệu quả cao nhất?
Trả lời những câu hỏi trên của các DN, các diễn giả đều cho rằng DN cần phải xác định được mục tiêu của mình là gì.
Ông Lê Phụng Hào – Giám đốc điều hành Công ty Global AAA Consulting, Tổng Giám đốc Công ty Sakos nhận định: “Thách thức đối với Doanh nghiệp gia đình xuất phát quy mô nhỏ là không chỉ phát triển với tốc độ nhanh mà cần phải có chiến lược phát triển bền vững. Nhanh tức là phải nắm bắt được cơ hội của thị trường, bền vững tức là phải có chiến lược kinh doanh khác biệt để giữ vững được lợi thế cạnh tranh lâu dài trên thương trường”.
Khi bước vào đầu tư, DN luôn có suy nghĩ là doanh thu, lợi nhuận được bao nhiêu? Do dó vấn đề phát triển bền vững thì bản thân các DN phải xác định rõ, phải ứng phó, và cần có khái niệm là thân thiện với môi trường, ổn định trong kinh doanh. Xác định đầu tư về con người, tuân thủ pháp luật về lao động và đưa và mục tiêu tăng trưởng hàng năm. Việc minh bạch các thông tin về DN của mình để huy động nguồn tài chính từ các nhà đầu tư hướng đến phát triển bền vững.

Phát triển bền vững là trách nhiệm của cả cộng đồng
Bà Trần Anh Đào – Phó Tổng giám đốc Sở giao dịch chứng khoán TP.HCM: sự phát triển của các DN cần thể hiện rõ ràng theo hướng ổn định và bền vững bao gồm, các công ty liên kết, ý thức và trách nhiệm của DN là làm sao thân thiện với môi trường, với cộng đồng xã hội.
Vì sao DN phải phát triển bền vững: đó chính là vấn đề cấp bách và tất yếu mà cả cộng đồng DN phải cùng nhau xây dựng để hướng tới. Đối với DN thì yếu tố phát triển bền vững là mục tiêu, là yếu tố mà chúng ta phải đạt được. Vấn đề tăng trưởng đối với DN là hết sức quan trọng, do đó việc tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận sẽ góp phần cho sự phát triển chung của cộng đồng DN và xã hội. Ví dụ, trong thị trường chứng khoán thì các nỗ lực về phát triển bền vững trên thị trường chứng khoán đều có các quy định rất rõ ràng: theo thông tư 155/2015/TT-BTC trên thị trường chứng khoán bao gồm: Hướng dẫn báo cáo về quản trị công ty, HĐQT, Ban kiể soát, các giao dịch, thù lao và các khoản lợi ích…Hay các nỗ lực khác nhằm thúc đẩy phát triển bền vững trên thị trường chứng khoán bao gồm: giải thưởng báo cáo thường niên và báo cáo phát triển bền vững; đối tác chính thức của sáng kiến các sở GDCK bền vững Thế giới (SSE); Chỉ số phát triển bền vững (VNSI); các chương trình đào tạo về chuẩn mực…
Vì vậy, phát triển bền vững trong DN là một quá trình lâu dài, đòi hỏi phải có thời gian và của nhiều thành viên, cộng đồng cùng tham gia, chứ không phải chỉ có một cơ quan quản lý hay một DN nào đó. Chúng ta sống trong cộng đồng thì chúng ta phải có trách nhiệm với cộng đồng để cùng nhau phát triển.

Ông Hoàng Đức Hùng – Phó Tổng Giám đốc Công ty PwC Việt Nam: từ khảo sát CEO thường niên toàn cầu lần thứ 19 của PwC cho thấy: 79% các CEO lo ngại rằng việc siết chặt thể chế, chính sách quá mức sẽ đến ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh. Do đó, chúng ta cần phải giải quyết nhiều các câu hỏi như: Ai đang tác động đến chiến lược của DN? Nhu cầu của đông đảo các bên liên quan sẽ thay đổi dưới tác động gì? Công nghệ phát triển ra sao, các mối đe dọa chính đến tăng trưởng kinh doanh?
Vậy thì mục đích của DN là gì? Có thể nói, nếu như 30 năm trở về trước, các DN hoạt động phải có 85% tài sản hữu hình và 15% là tài sản vô hình thì hiện nay đang ngược lại. Tài sản vô hình của DN lên tới 85% và tài sản hữu hình chỉ cần 15% là có thể hoạt động đầu tư. Điều đó cho thấy, chính sách đang được mở ra và tạo điều kiện cho DN phát triển. Việc tạo lập giá trị doanh nghiệp thông qua chiến lược phát triển bền vững là một xu thế trên thế giới, và đang trở thành lăng kính qua đó các bên có liên quan đánh giá hoạt động của doanh nghiệp.

Ông Phạm Nguyên Vinh – Giám đốc phát triển kinh doanh Tập đoàn Dragon Capital: “Chúng ta đã nói rất nhiều về yếu tố phát triển bần vững. DN nên xác định rõ và phải hiểu các đối tác của mình cần gì. Trong triết lý kinh doanh thì vấn đề cuối cùng của DN là tối đa hóa lợi nhuận”.
Một số vấn đề mà Thế giới hết sức quan tâm: khí hậu toàn cầu, ô nhiễm, sức khỏe cộng đồng, khủng hoảng về nguồn nước…Do đó đây cũng là trách nhiệm của các DN về vấn đề này. Đòi hỏi lớn từ các đối tác hữu quan thì DN cần: nhận thức của người tiêu dùng, sức ép của các cổ đông có quan tâm. Vì vậy, xu hướng mới về triết lý kinh doanh là: quản lý tài nguyên, nguồn lực và các ảnh hưởng của nó theo hướng thân thiện với môi trường, có trách nhiệm xã hội…
Cho nên, DN cần quan tâm và thực hiện theo một quy trình như: Quyết định đầu tư – Hệ thống quản lý môi trường – xã hội và Quản trị. Nếu không, việc xây dựng danh tiếng, thương hiệu của DN mất 20 năm nhưng phá hủy chỉ 5 phút. Và cuối cùng, tất cả… chính là việc thay đổi về hành vi của chúng ta.
enternews